Tết Trung thu là dịp lễ quan trọng trong năm, thế nhưng liệu mọi người đã biết hết những bí mật của tết Trung thu?
Không chỉ Việt Nam, các quốc gia khắp châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng đang nao nức chào đón Tết Trung thu . Hãy cùng lượn một vòng châu Á để điểm qua những điều thú vị về ngày lễ này.
1. Trung thu có rất nhiều tên
Cái tên "Tết Trung thu" bắt nguồn từ lịch âm, bởi một năm được chia thành bốn mùa, mỗi mùa được chia thành "Mạnh", "Trung" và "Quý" nên thời điểm giữa mùa thu gọi là Trung thu. Ngoài ra, do rơi vào ngày rằm tháng tám âm lịch nên tết Trung thu còn được gọi là "Lễ hội tháng tám" hoặc "Rằm tháng tám".
Vào ngày này, trăng đặc biệt tròn vành vạnh, vì vậy Tết Trung thu còn được gọi là "Đêm trăng", "Lễ hội mùa thu", "Tết trông trăng", "Hội chơi trung thu", "Lễ thờ cúng mặt trăng", "Tết đoàn viên"....
2. Nguồn gốc chung của Tết Trung thu
Các nước nông nghiệp lâu đời như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đều lựa chọn mùa thu hoạch tháng 8 để tổ chức ngày hội ăn mừng mùa màng bội thu, bày lễ tạ ơn tổ tiên đã giúp mùa màng no đủ và cầu mong cho mùa màng năm sau tươi tốt.
Hình minh họa
Trong dịp đặc biệt này, các thành viên sẽ cùng ăn bữa cơm và hưởng thụ thành quả sau một năm mùa vụ vất vả. Không chỉ vậy, rất nhiều các bậc đế vương xưa cũng chọn ngày này để tổ chức các hoạt động tế lễ, cầu cho quốc thái dân an.
3. Tết Trung thu người xưa cũng được nghỉ lễ
Ngay từ thời nhà Đường - triều đại phong kiến Trung Quốc, các quan chức trong triều được nghỉ 3 ngày tết Trung thu theo quy định. Thời Nam Tống, quan chức rút lại chỉ còn nghỉ một ngày. Cho đến thời nhà Nguyên, mặc dù các kỳ nghỉ lễ đã giảm đi rất nhiều, nhưng ngày lễ Tết Trung thu vẫn được giữ lại.
Không chỉ Trung Quốc mà vào những ngày quan trọng này, người Hàn Quốc cũng sẽ được nghỉ 3 ngày (14, 15 và 16 tháng 8 âm lịch) để về nhà và tề tựu bên gia đình.
4. Nguồn gốc của bánh trung thu các quốc gia
Bánh nướng Trung thu xuất hiện từ thời nhà Hán. Vào thời điểm đó, Trương Khiên - một người phụ trách vận chuyển hàng hóa mang vừng (hay gọi là "mè") từ nước ngoài về truyền bá trong dân chúng. Người dân địa phương sau đó dùng quả óc chó làm nhân để tạo thành một loại bánh có hình tròn, gọi là "bánh mè".
Hình minh họa
Vào thời nhà Đường, tương truyền rằng vào đêm trăng rằm, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi cùng nhau ăn tối. Dương Quý Phi gắp một miếng bánh mè, nói với Đường Huyền Tông: "Bệ hạ hãy nhìn cái bánh này, thật to và tròn, trông thật giống với trăng đêm nay."
Từ đó, bánh mè được đổi tên thành bánh nguyệt hay bánh Trung Thu.
Còn ở Hàn Quốc, món bánh gạo truyền thống (hay còn có tên là Songpyeon) là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu (lễ tết Chuseok) của người Hàn Quốc. Bánh có vỏ mềm dẻo, nhân thường là nguyên liệu ngọt như vừng, đậu đen, quế, hạt thông, hạt dẻ và mật ong...
Món bánh truyền thống Songpyeon dịp tết Trung thu của Hàn Quốc. Hình ảnh: Internet
Songpyeon được hấp trên một lớp lá thông mang đến 1 mùi thơm đặc biệt. Bánh cũng được tạo hình giống trăng non với gửi gắm mong ước về tương lai tươi sáng và thành công của mọi gia đình.
Ở Nhật Bản bánh trung thu được bán quanh năm, ngoài bánh mochi thì loại bánh hay được sử dụng trong lễ Tết Trung Thu của người Nhật là Tsukimi dango (nghĩa đen là bánh trôi trông trăng), nặn hình tròn, màu trắng, được bày theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ.
Bánh Tsukimi dango. Hình ảnh: Internet
5. Ngắm trăng từng là một hoạt động dành cho giới quý tộc
Nhà Đường là một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc – thời đại sản sinh ra nhiều thi nhân bậc nhất thời phong kiến. Họ yêu thích ngắm trăng, ngâm thơ và thưởng rượu. Từ đó, ngắm trăng bỗng trở thành một hoạt động trang nhã, thanh cao chỉ dành cho giới quý tộc.
Giới quý tộc ngắm trăng thưởng rượu. Hình minh họa
Tuy nhiên về sau, ngày càng có nhiều dân thường yêu thích khiến việc ngắm trăng và thưởng rượu bỗng trở nên bình dị và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
6. Tết Trung thu từng là dịp dưỡng lão
Cụm từ "Trung thu" lần đầu tiên được thấy trong cuốn "Lễ ký - Nguyệt linh" của "Chu Lí": "Dịp lễ trung thu hợp dưỡng lão, nghỉ ngơi và ăn cháo". Bởi vậy mà cứ đến mùa thu, những người cao tuổi có trong hộ tịch của quốc gia thì đều được thưởng cháo.
Còn ở Hàn Quốc, lễ Chuseok vốn nguyên bản là từ một cuộc thi tài. Theo truyền thuyết, nhà vua thứ ba của triều Silla sẽ treo giải thách các đội nữ nhi ở kinh thành dệt vải. Từ 16 tháng 7 âm lịch đến 14 Tháng 8 âm lịch ai dệt được nhiều sẽ được khao bữa cỗ thịnh soạn. Từ đó Chuseok hay còn gọi là Tết Trung thu dần trở thành ngày lễ vui chơi trong văn hóa người Hàn Quốc.