Thời sự

500.000 tỷ vốn đầu tư công khó giải ngân hết trong năm nay, cần tăng thêm trách nhiệm của người đứng đầu?

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tính giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến cuối tháng 8 đạt  hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch. Trong đó có 35/51 bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%.

Các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn 8 tháng ước đạt dưới 35% gồm: TP HCM (17,1%), Cao Bằng (17,4%), Hà Giang (19,12%), Phú Yên (20,8%), Đắk Lắk (23,3%), Gia Lai (24,4%), Cần Thơ (26%), Hà Nội (29%), Điện Biên (29,4%),… 

Như vậy, cả Hà Nội và TP HCM - 2 đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước đều nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Báo cáo về những khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho hay, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án.

"Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư… Đồng thời, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng",ông Hà Minh Hải nói.  

 Đồ hoạ: Hạ An

Giải ngân vốn đầu tư công nhanh hay chậm cốt ở lãnh đạo

Trước những khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, giải ngân nhanh hay chậm cốt ở lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là chủ đầu tư, ban quản lý dự án. 

Bộ trưởng Phớc cũng cho rằng, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Năm 2022-2023, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu 340.000 tỷ đồng, trong đó tập trung cho an sinh xã hội, chuyển đổi số, giải quyết việc làm, hỗ trợ người thuê nhà, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình giao thông trọng yếu…

Đồng thời, Bộ trưởng cũng bày tỏ lo lắng với số vốn hơn 500 nghìn tỷ đồng, với tốc độ giải ngân như hiện nay thì khó về đích.

 TS. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM (Ảnh: NVCC).

Vẫn chưa có trường hợp nào từng bị xử lý 

Đồng quan điểm, TS.TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công để làm cơ sở xử lý khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý vì giải ngân vốn đầu tư công chậm.

"Bất cập hiện nay là trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, vốn không giải ngân được nhưng không chỉ rõ được cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc đó, nên cần sớm khắc phục", TS. Lê Đăng Doanh đề xuất.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu giải ngân vốn chậm mới khiến cácbộ, ngành, địa phương làm hết trách nhiệm của mình, lăn xả vào công việc để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn. Còn nếu thấy khó khăn thì né tránh thì tình trạng "ngâm" vốn năm nào cũng diễn ra.

Nguyên viện trưởng CIEM cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công Chính phủ quyết liệt nhưng nhưng các địa phương lại hành động chưa quyết liệt, tiến độ vẫn ì ạch đó là lý do tại sao năm nào chúng ta cũng đau đầu về tiến độ giải ngân.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Ngân hàng (Ảnh: Báo Công Thương).

Hết 8 tháng vẫn còn dự án chưa được phân bổ dự toán

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Ngân hàng, rõ ràng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay chậm hơn năm ngoái, 8 tháng mới đạt 35,49%. Đó là còn chưa kể vốn từ Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển, khiến đây là một vấn đề rất đáng lo.

Nếu như năm ngoái, việc giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn từ yếu tố khách quan do dịch bệnh như việc các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam gây chậm trễ về giấy tờ, thủ tục hay việc giãn cách xã hội khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm thì năm nay không thể đổ lỗi cho lý do này.

Năm nay cũng xuất hiện một vài vấn đề đặc thù như giá nguyên, nhiên vật liệu tăng từ 20-30% khiến các nhà đầu tư hay các nhà thầu có tình trạng kéo dài tiến độ thi công để chờ giá xuống. Những rõ ràng, đến bây giờ là hết tháng 8 mới giải ngân được 35% thì quá thấp. Bên cạnh đó, nếu tính cả vốn đầu tư công từ gói 350.000 tỷ thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn nữa, TS. Thịnh cho hay.

Đặc biệt, là có nhiều dự án chưa được phân bổ dự toán đầu tư công của năm 2022, điều này rõ ràng là những nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công.

Theo TS. Thịnh, để gỡ nút thắt này, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các địa phương, các bộ ngành,… khi vốn đầu tư công đã về đến địa phương hoặc các bộ ngành rồi thì phải phân bổ về các dự án để giải ngân.

Thứ hai là việc giá cả tăng cao trong thời gian vừa qua từ giá sắt thép, vật tư nguyên liệu đều tăng rõ ràng cần có sự điều chỉnh khung giá từ các bộ sát với tình hình thực tế để hỗ trợ nhà thầu thì các đơn vị này mới đẩy nhanh được tiến độ.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, Chính phủ cần quyết liệt hơn yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm