Ngày 3/12, ông Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân bị Công an Hà Nội tạm giữ, điều tra về hành vi Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Những người này khai, ban đầu xác định mức giá chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng/m2 - có thể bán chênh được, nên đã bàn cách khống chế kết quả đấu giá qua 6 vòng bắt buộc.
Theo kế hoạch, nếu đến vòng 4 mà mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng/m2 thì vào vòng 5 nhóm này sẽ "đưa ra một mức cao đột biến để thắng áp đảo". Khi đến vòng 6, cả nhóm thống nhất sẽ không tham gia nữa, với mục đích "không cho lô đất được trúng đấu giá thành công".
Tổng cộng 36/58 lô đất bị các nghi phạm này thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2 rồi bỏ không đấu nữa. Cá biệt, Phạm Ngọc Tuấn trả tới mức 30 tỷ đồng/m2.
Trước đó, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224 m2 với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng một m2, tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng một lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).
Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.
Tại vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, ông Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỷ đồng một m2 cho 3 thửa đất (số A12, A13, C6).
Tại vòng thứ 6, sự cố xảy ra khi một nhóm khách hàng có dấu hiệu "phá" phiên đấu giá này, theo một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn. Cụ thể, nhiều khách hàng tại các vòng trước đó đã trả giá các lô lên đến hơn 100 triệu đồng một m2, trong đó thậm chí có 2 lô được trả đến 30 tỷ đồng một m2. Đến vòng 6, họ lại trả giá 0 đồng, rồi xin dừng tham gia đấu giá.
Lãnh đạo huyện cho biết tình huống này khiến 30 trong tổng số 58 thửa đất không thể đấu giá thành công.
Cuối năm ngoái, Hà Nội từng ghi nhận một trường hợp "trả giá nhầm" lên đến 4,28 tỷ đồng cho một m2 đất đấu giá tại huyện Mê Linh - gấp 142 giá khởi điểm.
Thế nhưng, ngay sau buổi đấu giá, người này đã trao đổi lại với đơn vị tổ chức về việc "ghi nhầm mức giá do lần đầu tham dự, tâm lý căng thẳng". Ông này cũng xin cơ quan chức năng cho nhận lại tiền cọc hơn 600 triệu đồng và được chấp thuận.
Hồi tháng 8, 9 năm nay, một số phiên đấu giá đất huyện ven Hà Nội thu hút hàng trăm khách hàng tham dự với hơn 1.000 hồ sơ đăng ký. Mức giá trúng cao nhất cũng liên tiếp thiết lập kỷ lục như ở Hoài Đức hơn 133 triệu đồng một m2, Thanh Oai hơn 100 triệu đồng một m2. Trong đó, phiên đấu giá tại Thanh Oai ghi nhận khoảng 80% khách hàng trúng đấu giá không nộp tiền.