Theo một khảo sát do công ty an ninh mạng Kaspersky thực hiện, hơn một nửa người dùng tài chính điện tử (67%) ở Đông Nam Á tin rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) nên bắt đầu sử dụng thanh toán kỹ thuật số cho các giao dịch tài chính.
Trong số các quốc gia ở Đông Nam Á, người tiêu dùng ở Malaysia (72%) rất ủng hộ việc áp dụng hệ thống thanh toán kỹ thuật số của SMB, theo sau đó là Singapore (68%) và Philippines (68%).
Thanh toán bằng thẻ ngân hàng dần phổ biến hơn tại Đông Nam Á.
Còn theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IDC, nhu cầu về hệ thống thanh toán không tiếp xúc đang ở mức cao chưa từng có so với trước đây, phản ánh quỹ đạo dự kiến của việc gia tăng chi tiêu cho thương mại điện tử lên 162% - tương đương 179,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 với thanh toán kỹ thuật số chiếm 91% giao dịch.
5 hình thức thanh toán kỹ thuật số được sử dụng thường xuyên ở Đông Nam Á là:
- Ứng dụng thanh toán di động (58%);
- Ngân hàng trực tuyến qua ứng dụng di động (53%);
- Thẻ ghi nợ (36%);
- Thẻ tín dụng (33%);
- Ngân hàng trực tuyến qua trình duyệt (31%).
Các khảo sát cũng tiết lộ, gần 3/5 (59%) người tham gia khảo sát nói rằng, họ sẽ mua sắm nhiều hơn tại các cửa hàng chấp nhận thanh toán kỹ thuật số. Người tiêu dùng Malaysia có xu hướng làm điều đó nhiều nhất (70%), tiếp theo là Việt Nam (63%) và Philippines (59%).
Đối với những người trả lời trên toàn khu vực, 3 lý do hàng đầu để họ trở nên quen thuộc và thoải mái với những công nghệ này là nhờ sự tiện lợi, dễ truy cập và quyền riêng tư.
Đáng chú ý, cuộc khảo sát còn cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm tại các cửa hàng bị vi phạm dữ liệu nhìn chung đã giảm 42%.
“Cần lưu ý rằng, trong khi người tiêu dùng đang theo đuổi lối sống kỹ thuật số và tin tưởng những công cụ này giúp giao dịch tài chính của họ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, thì họ cũng bắt đầu nhận thức được sự nguy hiểm và rủi ro của các mối đe dọa trên mạng đối với cuộc sống cá nhân”, ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á nhận định.
Kaspersky có những lời khuyên sau đây cho các chủ sở hữu SMB ở Đông Nam Á:
- Thực hiện đánh giá rủi ro: Đánh giá các rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến an ninh mạng, hệ thống và thông tin của công ty bạn. Xác định và phân tích các mối đe dọa có thể xảy ra có thể giúp bạn hình thành một kế hoạch để bịt các lỗ hổng trong bảo mật.
- Đào tạo nhân viên: Để bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ bên trong, hãy đầu tư vào đào tạo an ninh mạng cho nhân viên. Hướng dẫn họ những gì nên làm nếu nhận được một email đáng ngờ chẳng hạn.
- Luôn cập nhật phần mềm: Cập nhật phần mềm mà bạn sử dụng để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Mọi phần mềm đều được cập nhật thường xuyên để tăng cường sức mạnh hoặc thêm các bản vá để đóng các lỗ hổng mã hóa mà tin tặc có thể lướt qua.
- Thường xuyên sao lưu tệp: Chọn một chương trình cho phép lên lịch hoặc tự động hóa quá trình sao lưu để không cần phải nhớ thực hiện. Lưu trữ các bản sao lưu ngoại tuyến để chúng không bị mã hóa hoặc không thể truy cập được nếu hệ thống bị tấn công bằng ransomware.
- Triển khai một phần mềm bảo mật mạnh mẽ: Các mối đe dọa mạng phức tạp có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng. Các giải pháp bảo mật như Kaspersky Endpoint Detection and Response Optimum có thể cung cấp khả năng bảo vệ chủ động và tự động cho dữ liệu, tài chính và tài sản trực tuyến.