Một loài chim có màu sắc sặc sỡ vô cùng hiếp gặp, xếp vào hàng quý hiếm vừa được giới nhiếp ảnh gia chuyên chụp chim phát hiện ở Sa Pa, Lào Cai .
Theo thuật lại của tờ Dân trí, loại chim quý hiếm này là Gà lôi tía (Gà túi) có tên khoa học là Tragopan temminckii (Gray, 1831), họ Trĩ (Phasianidae), bộ Gà (Galliformes). Loài chim này có tên trong sách đỏ Việt Nam và được phân hạng CR (Critically Endangered): cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng.
Gà lôi tía do nhiếp ảnh gia Toby Trung ghi nhận ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Cổng TTĐT VQG Hoàng Liên
Gà lôi tía do nhiếp ảnh gia Đỗ Đình Đông chụp. Ảnh: Cổng TTĐT VQG Hoàng Liên
Loài chim quý hiếm này được các nhiếp ảnh gia Việt Nam phát hiện và chụp ảnh lại ở khu vực rừng đỗ quyên cành thô có độ cao trên 2700m trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa). Các nhiếp ảnh gia không tiết lộ vị trí cụ thể hơn, để đảm bảo an toàn cho loài chim quý này.
Theo Cổng TTĐT Vườn Quốc gia Hoàng Liên, cả con đực và cái Gà lôi tía đều có mỏ đen, mắt nâu, chân màu hồng. Với Gà lôi tía đực khi trưởng thành lông mang màu đỏ lửa, đỏ nâu lẫn màu đen, da quanh mắt màu xanh hơi thẫm, lưng có sao tròn nâu nhạt viền đen. Lông cánh đen nhạt, có vằn và có vệt màu hung đỏ. Phần đuôi màu nâu hung vàng nhạt có chấm và vạch đen.
Còn với con Gà lôi cái trưởng thành cũng tương tự như con đực nhưng bộ lông có vệt đen hung và trắng. Chúng đẻ trứng vào tháng 4 (mỗi lần từ 3 - 5 trứng) và tháng 7 chim non rời tổ.
"Điều khác biệt với các loài chim khác trong họ Trĩ là Gà lôi tía này làm tổ trên cành cây. Theo Delacour (1977) chim đẻ vào tháng 4, 7 - 8 trứng và thời gian ấp là 28 ngày. Thức ăn của chúng ăn các loại quả, hạt quả cây trong rừng, côn trùng, giun đất", tác giả Nguyễn Năm (Trung tâm cứu hộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên) thuật lại tại nguồn trên.
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Đỗ Đình Đông chia sẻ trên trang Birds and Nature in Viet Nam (nguồn: Cổng TTĐT VQG Hoàng Liên)
(Tổng hợp)