Nắm bắt được những vấn đề này sớm có thể giúp bạn chủ động thoát ra khỏi mối quan hệ và không rơi vào những cảm giác tiêu cực như bị phản bội, xung đột...
Đối phương luôn muốn bạn chú ý đến họ mọi nơi, mọi lúc
Chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu Jordan Brown, Mỹ nhận định, nếu một người bạn mong đợi bạn đáp ứng mọi nhu cầu của họ hoặc ghen tị khi bạn nói chuyện, dành thời gian cho người khác, đây là một "dấu hiệu đỏ".
Chuyên gia cảnh báo, điều này ban đầu có thể gây cảm giác thú vị, tuy nhiên, đây có thể là những dấu hiệu của hành vi phụ thuộc. Trong một tình bạn lành mạnh, điều quan trọng là mỗi người phải có những mong muốn, nhu cầu riêng và những mối quan hệ riêng. Do vậy, người bạn của bạn phải cho bạn một khoảng không gian riêng tư.
Thiếu đi sự có đi có lại
Nếu bạn cảm thấy rằng mình là người đang nỗ lực hết mình, cho dù đó là thời gian, sức lực, tiền bạc hay giao tiếp, trong khi đối phương không như vậy, thì đây cũng là một tình bạn có vấn đề.
Đương nhiên, trong trường hợp bạn của bạn đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn, đây là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu đối phương ít nỗ lực hỗ trợ và chỉ tìm đến bạn khi họ cần đến bạn, đó là một dấu hiệu cần lưu ý.
Đố kỵ hoặc luôn tỏ ra hơn bạn
Theo Rachel Eddins, nhà trị liệu và giám đốc điều hành tại tổ chức Eddins Counseling, nếu một người bạn luôn cho rằng kinh nghiệm, trải nghiệm của họ có giá trị so với bạn, cho rằng họ "trên cơ" bạn, đây là dấu hiệu đỏ cho mối quan hệ. Đơn giản vì điều này khiến cả hai không thể nào có một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng.
Theo chuyên gia tâm lý Williams, nếu người bạn không hạnh phúc khi thấy bạn thành công, nếu họ làm bạn thất vọng hoặc cho bạn ấn tượng rằng họ xứng đáng thành công hơn bạn, đó hoàn toàn không phải là mối quan hệ lành mạnh. Thay vào đó, hãy tìm kiếm những người sẽ ăn mừng và ủng hộ bạn.
Buôn chuyện, nói xấu
Chuyên gia tâm lý Kaylin Zabienski nói rằng, nếu một người bạn cứ gặp bạn sẽ kể lể với bạn về người bạn khác, đây là dấu hiệu cho thấy họ không phải là bạn tốt và đáng tin cậy. Cô giải thích: "Họ sẽ làm điều tương tự với bạn và thông tin cá nhân của bạn, khi vắng mặt bạn".
Việc một ai đó buôn chuyện có thể cho thấy họ không có cảm giác an toàn về chính bản thân mình nên mới tìm một đối tượng để có thể dánh giá, nhận xét.
Tình bạn cạn kiệt
Tình bạn tốt đem lại những cảm giác tích cực. Do đó, nếu bạn thấy mình kiệt sức sau khi chơi với một người nào đó, mối quan hệ đó có thể không lý tưởng, theo chuyên gia tâm lý Mikayla Williams.
Tất nhiên, tất cả các mối quan hệ đều cần có sự nỗ lực, nhưng chúng cũng phải tương đối dễ dàng và tự nhiên. Do đó, nếu đối phương không muốn hoặc không thể cung cấp cho bạn những giá trị tích cực cho mối quan hệ, hãy coi đó là một "dấu hiệu đỏ" cho đời sống tình bạn.
(Theo Bestlifeonline)