"Tôi thấy điều này bất khả thi"
Người có trí tuệ cảm xúc (EQ) cao luôn thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng đối phương qua cách sử dụng ngôn từ. Ngược lại những người trí tuệ cảm xúc kém lại thường sử dụng những cụm từ thể hiện rõ sự thiếu tin tưởng, hoài nghi hoặc muốn kiểm soát đối phương.
Những câu như: "Thật khó tin cách bạn đang làm"; "Ý tưởng của bạn tôi thấy bất an" hoặc "Tôi không tin tưởng lắm cách anh đang suy nghĩ"; "Điều này bất khả thi" là những ví dụ điển hình.
Chuyên gia De Kock cho rằng, những cụm từ thể hiện sự tin tưởng đối phương như: "Tôi đánh giá cao bạn" hay "Tôi quan tâm đến kết quả cuối cùng mà bạn sẽ đạt được" không chỉ giúp xây dựng tâm lý an toàn mà còn là minh chứng cho trí tuệ cảm xúc cao của người nói.
Tuy nhiên, những lời này chỉ thực sự có giá trị nếu được xuất phát từ sự chân thành, trân trọng và bằng hành động minh chứng. "Nếu không, chúng có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích", De Kock nói.
"Tôi xin lỗi, được chưa?"
Việc sử dụng những câu như "Tôi xin lỗi nhưng tôi chẳng thấy mình sai" hay "Nếu bạn cần thì cùng lắm tôi xin lỗi" có thể làm giảm đáng kể lòng tin và gây tổn hại đến mối quan hệ hai bên.
Chuyên gia De Kock cho rằng, việc thừa nhận sai lầm một cách chân thành không chỉ phản ánh nhận thức mà còn tỏ rõ sự khiêm tốn. Việc tự nhận lỗi lầm chứng minh bản thân hiểu được tác động của hành vi giữa mình với người khác. Điều này tạo nền tảng cho đối phương cũng có thể nhận lỗi một cách dễ dàng hơn và xây dựng lại niềm tin, đồng thời tăng cường sự tin tưởng từ phía đối tác.
"Biết rồi, không cần nói nữa"
Bà De Kock cho rằng, những câu như "Tôi chẳng bận tâm đâu, đừng kể" hay "Tôi biết thừa rồi" cho thấy sự thiếu quan tâm đến cảm xúc của người khác, cũng như phản ánh chỉ số EQ thấp từ người nói. Ngôn ngữ này thể hiện rõ sự thờ ơ, vô tâm với đối phương
Với những người EQ cao, họ thường sử dụng những cụm từ như "Hãy kể cho tôi nghe thêm về..." hoặc "Bạn có thể giúp tôi hiểu rõ hơn về..." thể hiện rõ nỗ lực để hiểu thêm về cảm xúc và quan điểm của người khác.
Tuy nhiên, sự quan tâm này cũng phải đi đôi với hành động thực tế. "Nếu bạn dùng câu hỏi mở nhưng lại không chú ý, ví dụ nhìn vào điện thoại trong khi nói chuyện thì dù lời nói tích cực đến đâu bạn vẫn được xem là người có trí tuệ cảm xúc thấp", chuyên gia khuyến cáo.
"Tôi không có thời gian nghe đâu"
Những câu có nội dung tương tự như "Tôi không có thời gian quan tâm việc này" hay "Vào thẳng vấn đề đi" cũng mang ý nghĩa tương tự khi không cố gắng hiểu hoàn cảnh hoặc tình huống từ đối phương của người EQ thấp. Điều này đồng nghĩa bạn không thực sự lắng nghe hay chú trọng tới ý kiến người đối diện.
Những người EQ thấp cũng thường có xu hướng ngắt lời hoặc phủ nhận ý kiến của người khác một cách nhanh chóng.
"Tôi thấy cũng được, nhưng..."
Những người EQ thấp thường phản hồi đối phương theo kiểu "bánh sandwich"- khi lời phản hồi tiêu cực được kẹp giữa hai lời phản hồi tích cực.
Cách phản hồi này được hiểu là bắt đầu bằng một câu phản hồi tốt (khen), sau đó đưa ra một câu phản hồi mang tính xây dựng (chê) và kết thúc bằng một câu phản hồi tích cực (khen).
Nhiều người cho rằng, đây là cách nói khôn khéo, nhưng thực tế, cách này thường gây tác dụng ngược. Chẳng hạn, sau khi nghe câu nói: "Tôi thấy anh có cố gắng nhưng kết quả không tốt", hầu hết mọi người chỉ tập trung vào vế sau là "kết quả không tốt". Cách phản hồi này thường thiếu sự rõ ràng và trực tiếp, khiến thông điệp chính bị mờ nhạt. Đối phương cũng không cần những lời khen để đệm cho những chỉ trích tiêu cực sau đó.
(Theo CNBC)