Dịch vụ logistics hiện nay không chỉ đơn thuần là hậu cần, còn đóng vai trò nền tảng thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên chi phí đang gia tăng trong ngành này, riêng tại Mỹ, chi phí logistics đã tăng ở mức 22,4% trong năm 2021, đạt 1,85 nghìn tỷ USD. Hầu hết các doanh nghiệp đang tìm cách tiết kiệm, không chỉ cắt giảm chi phí với dịch vụ logistics. Họ đang hướng tới việc mở rộng quy mô hoạt động. Dưới đây là các lựa chọn hợp lý và hiệu quả nhất về chi phí dành cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Hợp nhất lô hàng
Đây là chiến lược rõ ràng nhất để cắt giảm chi phí logistics nhưng vẫn cần lưu ý việc vận chuyển tất cả hàng hóa bằng container thường hiệu quả hơn về chi phí so với ít container. Ngay cả khi toàn bộ thùng hàng không chứa đủ dung tích vận chuyển nhưng vẫn có thể là một lựa chọn kinh tế hơn.
Khi vận chuyển tất cả hàng hóa cùng lúc như vậy sẽ tốn ít thời gian xử lý hơn, từ đó giảm thiểu rủi ro hư hỏng. Tuy nhiên, sẽ có lúc vận chuyển với ít container sẽ có lợi hơn cho một doanh nghiệp, vì có các lựa chọn chuyển phát nhanh và thêm tính linh hoạt hơn trong dịch vụ logistics.
Gộp cước phí
Nhiều doanh nghiệp đang hướng tới việc gộp hàng hóa để giảm cước phí vận chuyển. Bản thân một số doanh nghiệp cũng đang tiết kiệm chi phí vận chuyển bằng cách tổng hợp nhiều đơn hàng trong cùng một thị trường. Ngoài ra, gộp lô hàng cũng có thể giảm chi phí phân phối đến một thị trường cụ thể vì lô hàng đã có trong khu vực. Các lợi ích khác còn có thể kể đến là tiết kiệm thời gian vận chuyển, phí xếp dỡ và giảm số lượng hàng hóa quá tải tại các bến tàu.
Nâng cấp công nghệ
Chuyển đổi số đang là xu hướng chung, ngành logistics cũng không nằm ngoài. Trên thực tế, nhiều giải pháp công nghệ mới sẽ không hoạt động tốt khi được tích hợp trên nền tảng công nghệ logistics lỗi thời. Chuyển sang một hệ thống dựa trên công nghệ đám mây hiện đại có thể là giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp logistics.
Đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất, doanh nghiệp cần tìm nhà cung cấp nền tảng công nghệ duy nhất để có thể truy cập thông tin trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Khả năng hiển thị rộng hơn sẽ giúp bạn tránh được mọi rủi ro làm giảm năng suất hoạt động cũng như chi phí không cần thiết trong quá trình này.
Tích hợp dữ liệu cũng là một tính năng quan trọng vì nó cung cấp phương tiện để thu thập và phân tích dữ liệu logistics. Từ đó, chủ sở hữu sẽ có được thông tin chi tiết để xây dựng chiến lược trong tương lai. Chỉ riêng tiềm năng xác định các điểm nghẽn đã có thể mang lại lợi ích to lớn trong việc tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, nó còn có lợi trong việc giảm chênh lệch giá, tối ưu hóa tuyến đường, nâng cao độ chính xác của giao hàng chặng cuối...
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhiều công nghệ hiện nay cũng mang đến cơ hội cải thiện kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Kiểm soát chi phí đội xe
Khi nói đến tiết kiệm chi phí logistics, các doanh nghiệp thường bỏ qua một trong những giải pháp quan trọng nhất là quản lý, đầu tư cho đội xe vận chuyển. Việc đầu tư hệ thống xe có thể khó khăn về giá cả nhưng các yếu tố khác đóng vai trò quan trọng hơn nếu doanh nghiệp biết cách mua ở nơi tin cậy, độ bền, chế độ bảo dưỡng...
Kiểm toán thường xuyên
Hiện nay, doanh nghiệp nên tự động hóa quy trình kiểm toán để tiết kiệm thời gian và có được kết quả chính xác nhất. Việc tự động hóa có thể tập hợp tất cả hóa đơn và giao dịch của khách hàng trên một nền tảng tập trung duy nhất, cho phép doanh nghiệp theo dõi và báo lỗi.
Nỗ lực thay đổi cách vận hành logistics không bao giờ thừa thãi đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, hệ thống cũng đòi hỏi sự giám sát thường xuyên khi họ mở rộng quy mô. Các công nghệ mới sẽ xuất hiện, các quy trình mới sẽ được đưa ra và những sự gián đoạn mới cũng có thể sẽ làm rung chuyển ngành công nghiệp logistics một lần nữa. Khách hàng cần biết logistics luôn chứa đựng tiềm năng tiết kiệm chi phí.
(theo Global Trade)