1. Thở bằng cơ hoành
Cơ hoàng là một cơ quan rất quan trọng giúp bạn thở bình thường. Bài tập thở bằng cơ hoành hay thở bằng bụng không chỉ dành cho những người khoẻ mạnh mà với các bệnh nhân có tiền sử bị hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD cũng có thể tập luyện.
Để thực hiện, bạn ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai. Sau đó, đặt một tay lên bụng, một tay lên ngực rồi hít thật chậm thông qua mũi trong khoảng 2 giây. Lúc này, bạn có thể cảm nhận không khí di chuyển vào bụng và cảm giác bụng phình lên. Bụng sẽ di chuyển nhiều hơn so với ngực.
Ảnh: Pinterest
Cuối cùng, hóp bụng lại và thở ra qua miệng với thời gian gấp đôi thời gian hít vào, cảm giác bụng lõm xuống. Lặp lại động tác 8-10 lần để đạt hiệu quả tốt hơn.
2. Thở chúm môi
Thở chúm môi giúp làm chậm nhịp thở bằng cách giữ cho đường thở mở lâu hơn. Điều này giúp phổi hoạt động dễ dàng và cải thiện quá trình trao đổi oxy, carbon dioxide. Với người mới bắt đầu, bài tập thở này dễ dàng hơn so với thở bằng cơ hoành nên có thể thực hiện ở bất cứ đâu, kể cả ở nơi làm việc.
Ảnh: Cleveland Clinic
Đầu tiên, hít vào từ từ bằng mũi. Sau đó mím môi như thể đang bĩu môi hoặc chuẩn bị thổi vào thứ gì đó. Cùng với đó, bạn thở ra càng chậm càng tốt bằng cách mím môi. Quá trình này sẽ mất ít nhất gấp đôi thời gian hít vào.
3. Bài tập tăng dung tích sống từng thuỳ phổi
Thùy phổi giữa: Sử dụng khăn choàng từ sau lưng ra trước ngực, vị trí phía dưới nách. Hai tay đan chéo cầm hai đầu khăn và bắt đầu hít vào thật sâu. Đồng thời siết khăn lại, sau đó buông khăn đột ngột và thở ra.
Thùy phổi dưới: Các bạn làm tương tự nhưng khăn nằm ở vị trí dưới ngực. Lưu ý buông khăn trước khi bắt đầu thì thở ra.
4. Bài tập loại bỏ dung tích khí cặn trong phổi
Bài tập này sử dụng một quả bóng và thổi hết sức (tương đương với thở ra hết sức) để loại bỏ khí cặn trong phổi. Đưa bóng lên miệng, lấy hơi rồi thổi một hơi kéo dài, thở ra hết sức trong một lần thổi.
5. Bài tập tăng sức bền
Cánh chim bay: Sử dụng tạ tập hay hoặc cầm chai nước đều được. Cầm hai quả tạ trên tay buông dọc theo thân mình, bắt đầu hít vào và nâng hai tay sang ngang. Sau đó thở ra nhẹ nhàng và hạ tay xuống vị trí cũ.
Ảnh: Đại học Y dược TP. HCM
Cánh tay đan chéo: Hai tay cầm tạ đưa sang ngang (thẳng cánh tay) và bắt đầu hít vào. Sau đó thở ra từ từ với hai tay song song nhau phía trước.
Cánh tay trên đầu: Hít vào đồng thời đưa hai tay cầm tạ qua đầu, sau đó thở ra từ từ và hạ tạ xuống.
Mỗi bài tập trên nên lặp lại ít nhất 8-10 lần và nên tập mỗi ngày để giúp tăng cường sức khoẻ cho lá phổi của chính mình.
Tổng hợp (Nguồn: TT kiểm soát bệnh tật TP.HCM; Healthline)