VN-Index đóng cửa tuần giao dịch đầu tháng 10 (2 – 6/10) tại 1.128,54 điểm, giảm 35,61 điểm tương đương 2,22% so với tuần trước. Thanh khoản tiếp tục suy yếu với giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường ghi nhận hơn 17.100 tỷ đồng. Giai đoạn trước đó (từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9), thanh khoản thường duy trì trên 22.000 tỷ đồng/phiên, có lúc chạm 42.000 tỷ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng những diễn biến mới trên thị trường tiền tệ đã làm giảm sự hưng phấn của dòng tiền vào thị trường chứng khoán, khiến lực mua thận trọng và thanh khoản thị trường giảm dần từ cuối tháng 9/2023. Ngay cả những phiên thị trường giảm mạnh, nhiều cổ phiếu đã về lại vùng giá hấp dẫn nhưng dòng tiền bắt đáy dường như vẫn còn khá thờ ơ.
Vậy đâu là lý do cho sự đảo chiều mạnh mẽ của thanh khoản trong giai đoạn gần đây?
Chia sẻ tại tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng điểm cộng lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua là thanh khoản.
Về mặt điểm số, VN-Index chưa thể quay trở lại thời điểm đỉnh của năm 2021, tuy nhiên thanh khoản của thị trường đã quay lại vùng đỉnh của hai năm trước. Thanh khoản trung bình trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 9 vừa qua ghi nhận xấp xỉ 1 tỷ USD mỗi phiên, giá trị giao dịch của thị trường Việt Nam nhỉnh hơn và nằm trong Top 3 thị trường chứng khoán có thanh khoản cao trong khu vực Đông Nam Á.
“Có thể thấy đà tăng của thị trường trong thời gian vừa qua là một trong những yếu tố kích thích dòng tiền gia tăng vào thị trường, cộng với tác động từ bối cảnh lãi suất giảm cũng như sự kỳ vọng của nhà đầu tư trên toàn cầu cũng khuyến khích nhà đầu tư quay lại hoặc gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán. Chính vì vậy chúng ta thấy một lượng tiền lớn dịch chuyển vào thị trường”, ông Minh chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, đặc biệt sau cú sụt giảm vào phiên ngày 18/8 và giai đoạn đầu tháng 9 thì tình hình thanh khoản của thị trường đã bắt đầu có chiều hướng sụt giảm đáng kể.
Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng có 4 yếu tố chính sẽ tác động và giải thích cho lý do tại sao tình hình thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh.
Yếu tố đầu tiên đến từ tác động bên ngoài, với kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại hoặc động thái về việc dừng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, lãi suất bắt đầu có sự gia tăng, giá dầu cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho áp lực lạm phát tăng lên. Từ đó, dẫn đến việc đồng USD và lợi suất trái phiếu (lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm) bắt đầu có mức tăng trưởng trở lại. Khi mức lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm vọt mạnh và dần dần xấp xỉ mức 5% thì đường cong lãi suất đã chuyển trạng thái sang đường cong lãi suất ngược.
Trong lịch sử, những yếu tố này luôn luôn có xác suất xảy ra rất cao và là một trong những chỉ báo cho suy thoái và khủng hoảng sẽ xảy ra trong tương lai. Đây là nguyên nhân chính khiến cho tâm lý nhà đầu tư bắt đầu có dấu hiệu chững lại và e ngại về tình hình thị trường ở thời điểm hiện tại.
Yếu tố thứ hai là tác động từ việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh khiến áp lực tỷ giá trong thời gian sắp tới cũng sẽ gia tăng, kéo theo việc điều hành tỷ giá sẽ gặp trở ngại hơn. Ông Minh cho rằng tỷ giá tăng là câu chuyện cản đường đà tăng của thị trường trong thời gian vừa qua.
Yếu tố thứ ba là khi tỷ giá tăng mạnh, lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá trị bán ròng đã xấp xỉ hơn 9.000 tỷ đồng. Khoảng thời gian trước đó, khối ngoại cũng có xu hướng mua ròng, tuy nhiên áp lực tỷ giá phần nào khiến nhà đầu tư nước ngoài có sự thận trọng và e ngại với tình hình thị trường chứng khoán hiện tại, khi đồng USD đang có giá trị tốt hơn. Do đó về mặt quản trị danh mục nhiều tổ chức, quỹ đầu tư cũng có khuynh hướng bán ròng.
Yếu tố cuối cùng chuyên gia đề cập là yếu tố mang tính thời vụ, khi các doanh nghiệp bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III vào tháng 10 này.
Trong 9 tháng đầu năm nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng tình hình chi phí vốn của các doanh nghiệp có thể sụt giảm nhờ vào việc hạ nhiệt của đồng USD, cũng như các ngân hàng trung ương sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại và lãi suất cho vay thực tế của các ngân hàng thương mại giảm.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng đến thời điểm hiện tại, những kỳ vọng này đã không còn nữa, tình hình chi phí vốn khả năng cao trong thời điểm ngắn hạn khó có thể giảm. Như vậy nhà đầu tư sẽ nhìn vào một câu chuyện khác để bù đắp cho chi phí vốn cao hiện nay, đó là tăng trường lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ quay trở lại.
“Liệu lợi nhuận có tăng trưởng trở lại hay không, chúng ta vẫn phải chờ vào kết quả kinh doanh quý III này để quyết định nhóm ngành nào là nhóm ngành nhà đầu tư có thể phân bổ vào trong thời gian tới.
Tôi cho rằng giai đoạn hiện tại nhà đầu tư bắt đầu có những chiến lược để theo dõi và bắt đầu có động thái để lựa chọn những nhóm ngành có thể có sự tăng trưởng trong thời gian tới. Chính vì vậy, tình hình thanh khoản của thị trường trong thời gian gần đây đã có sự chững lại”.