Trẻ em chiếm 50% tổng số nạn nhân bỏng, trong đó độ tuổi từ 1-5 chiếm 50-60%. Nhiều phụ huynh khi thấy con bị bỏng không đủ bình tĩnh để xử lý vết thương đúng cách. Việc này khiến vết bỏng trở nên nặng hơn, thậm chí gây ra các biến chứng khiến bé phải nhập viện. Dưới đây là 4 sai lầm thường gặp khi xử lý vết bỏng cho trẻ mà phụ huynh cần tránh.
Chườm lạnh vết bỏng
Theo Medstar Health, ý nghĩ dùng lạnh chống nóng là sai khi xử lý bỏng. Dùng nước lạnh hoặc nước đá chườm lên vết bỏng gây hại nhiều hơn lợi vì có thể làm hỏng mô, gây ra chấn thương lạnh gần vết bỏng. Khi trẻ không may bị bỏng, phụ huynh nên đưa vết bỏng dưới vòi nước mát để làm dịu vết thương hoặc ngâm vết thương trong nước ở nhiệt độ phòng.
Dùng kem đánh răng, mật ong
Trong trường hợp trẻ bị bỏng dầu ăn, cha mẹ thường nghĩ ngay đến giải pháp dùng kem đánh răng, mật ong để sơ cứu vết bỏng. Theo các chuyên gia, đây là cách chữa bỏng sai lầm cần tránh. Các chất mềm như kem đánh răng, mật ong dù không làm cho vết bỏng nặng hơn nhưng chúng lại cản trở quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng cũng cao hơn.
Bịt kín
Bịt kín vết bỏng khiến vết thương dễ vỡ hơn trong trường hợp phồng rộp, có thể dẫn tới nhiễm trùng. Khi trẻ bị bỏng, cha mẹ cố gắng cho con mặc quần áo rộng, thoáng. Bé dùng băng gạc nếu vết thương quá nặng, trong trường hợp vết bỏng nhẹ, hãy để vết bỏng thông thoáng.
Đắp thuốc nam
Vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé 18 tháng tuổi (Nam Định) bị bỏng nước sôi trong lúc chơi đùa, vết bỏng khá lớn ở vùng ngực. Thay vì đưa con đến bệnh viện, người mẹ đến nhà thầy lang lấy thuốc nam về đắp khiến vết bỏng nặng hơn. Bé nhập viện trong tình trạng sốt, hôn mê, chẩn đoán bỏng nước sôi độ 2-3, nhiễm trùng.
Đây là một trong những sai lầm khá phổ biến khi xử lý vết bỏng của nhiều bà mẹ Việt, thói quen sử dụng các phương thuốc truyền miệng không có cơ sở khoa học dễ khiến trẻ gặp phải các biến chứng không mong muốn như viêm mủ màng tim, viêm màng não, viêm xương tủy xương... Do vậy, phụ huynh khi gặp tình trạng trẻ bị bỏng cần tỉnh táo xử lý để an toàn.
Da trẻ em mỏng, liên kết giữa các lớp lỏng lẻo hơn người lớn. Do đó khi bị bỏng, vết thương nặng, sâu hơn. Hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao.
Nếu trẻ bỏng do nước sôi, bỏng hơi, cha mẹ ngâm tay trẻ vào nước sạch, mát khoảng 10-30 phút. Sau đó, người lớn đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý nếu vết bỏng lớn.
Nếu trẻ bị bỏng điện, gia đình nhanh chóng tách trẻ khỏi nguồn điện, đưa đến nơi thoáng mát. Phụ huynh kiểm tra ý thức trẻ, các chấn thương trên người, nếu bé ngất thì tiến hành hô hấp tuần hoàn đúng cách. Nếu trẻ ngừng tuần hoàn thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ.
Đối với trẻ bị bỏng hóa chất, người lớn ưu tiên rửa vùng bị bỏng bằng nước sạch. Tiếp đến phụ huynh cởi bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất cho trẻ, nếu quần áo bị dính vào vết bỏng nên cắt bỏ xung quanh, không gỡ ở phần bị bỏng vì dễ gây lột da. Ngay sau khi sơ cứu, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để khám, điều trị kịp thời.