1. Biết quản lý cảm xúc
Tháng 10/2021, một bé gái 5 tuổi tại Hồ Nam, Trung Quốc gặp sự cố mắc kẹt bên trong thang máy khi chỉ có một mình. Cô bé rất bình tĩnh, không khóc mà dùng đồng hồ thông minh gọi vào số cứu hỏa. Sau cùng, nhân viên cứu hỏa xác định được vị trí và đưa cô bé về nhà an toàn.
Cô bé 5 tuổi sau đó được rất nhiều cha mẹ khen ngợi, bởi sự bình tĩnh, biết quản lý cảm xúc dù còn nhỏ tuổi. Khi gặp nguy hiểm, cô bé đã không tỏ ra sợ hãi. Nếu lúc đó em chỉ biết khóc lóc, có lẽ mọi chuyện đã khác.
Các chuyên gia giáo dục khẳng định, trẻ có thể tức giận, buồn bực... bởi vì đó là cảm xúc bình thường, nhưng cha mẹ nên dạy trẻ cách nhận biết cảm xúc, học cách xử lý và giải quyết chúng đúng cách, thay vì để mất kiểm soát rồi gây tổn thương tới chính bản thân và những người xung quanh.
Khi trẻ biết quản lý cảm xúc, sau này chúng sẽ đủ độc lập đứng trên đôi chân của mình và đủ sức mạnh để thực hiện những điều mình mong muốn.
2. Chỉ số AQ cao
AQ là viết tắt của Adversity Quotient, chỉ số biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, bất hạnh, lao đao... gọi tắt là chỉ số vượt khó.
Kamimura Ryo, người Nhật, đang học mẫu giáo thì mẹ em phát hiện bị ung thư. Nhìn thấy mẹ vật lộn với cơn đau hằng ngày, cậu bé nảy ra ý định nhảy qua 10 bậc gỗ xếp chồng lên nhau vào đúng ngày tốt nghiệp. Nếu em thành công, mẹ sẽ phải hứa không tuyệt vọng mà chiến đấu dũng cảm tới cùng.
Một tháng trước lễ tốt nghiệp, bệnh tình mẹ Ryo chuyển biến xấu buộc gia đình Kamimura phải chuyển về Nagasaki. Trường mẫu giáo Takachiho liền tổ chức lễ tốt nghiệp sớm cho Ryo để em thực hiện lời hứa với mẹ.
Sáng hôm ấy, trước sự chứng kiến của toàn bộ thầy trò cùng phụ huynh trường, Ryo đối mặt với 10 bậc gỗ. Lần thứ nhất, cậu bé nhảy hỏng. Lần thứ hai, thứ ba cho đến thứ 5, Ryo vừa lau nước mắt vừa nhảy tiếp nhưng vẫn chưa vượt qua thử thách.
"Nào các em, hãy tiếp thêm sức mạnh cho Ryo", một thầy giáo lên tiếng. Ngay lập tức, các học sinh trường Takachiho chạy xuống bên Ryo, tạo thành một vòng tròn hét vang: "Làm được mà! Cậu làm được mà!". Cuối cùng, điều kỳ diệu cũng đã đến. Lần thứ sáu, Ryo nhảy thành công qua 10 bậc gỗ trong tiếng vỗ tay của cả hội trường.
Nhiều cha mẹ đặt câu hỏi: Vì sao AQ lại quan trọng tới vậy?
Với những trẻ có chỉ số AQ thấp, khi gặp thất bại chúng nhanh nản lòng, buông xuôi tất cả. Trong khi những đứa trẻ có AQ cao, ngay cả khi gặp thử thách khó khăn, chúng cũng luôn đủ dũng khí vượt qua. Ngã rồi lại đứng lên, luôn tràn đầy niềm tin vào con đường phía trước.
Với những đứa trẻ như vậy, dù có phải lớn lên giữa cánh đồng hoang, chúng cũng sẽ nở thành những bông hoa rực rỡ nhất.
3. Hiểu đúng giá trị tiền bạc
Từ khi trẻ bắt đầu tập nói, cha mẹ người Do Thái đã dạy con cách phân biệt tiền, dạy chúng hiểu tiền có thể mua những thứ chúng muốn và quan trọng hơn là tiền từ đâu mà có. Việc bồi dưỡng ý thức về tiền bạc, về kinh tế được bắt đầu khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ sẽ lập kế hoạch thích hợp cho từng độ tuổi của con:
Từ 3-4 tuổi: Học cách nhận biết chủng loại tiền, nhận thức giá trị trên tiền nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ.
Từ 4-5 tuổi: Mua những đồ đơn giản dưới sự giám sát của người lớn.
Từ 5-6 tuổi: Dạy cho trẻ biết rằng tiền kiếm được không dễ, muốn có được nó phải lao động vất vả.
Từ 6-7 tuổi: Có thể đếm tiền, biết "bỏ ống" tiết kiệm, bồi dưỡng ý thức "đây là tiền của con".
Từ 7-8 tuổi: Tự xem và hiểu giá trị ghi trên bao bì sản phẩm, có thể tự so sánh với số tiền trong túi mình, phán đoán mình có đủ khả năng mua món hàng đó không.
Từ 8- 9 tuổi: Hiểu cách gửi tiền ở ngân hàng, có thể tự làm việc kiếm tiền tiêu vặt như bán báo, đánh giày, làm việc nhà...
Từ 9-10 tuổi: Biết phân bổ hợp lý số tiền trong tay mình, khi đi mua hàng có thể mặc cả với chủ cửa hàng, khi tự bán đồ thì cò kè kiếm từng đồng để học cách giao dịch. Không được coi thường giá trị của một đồng tiền.
Từ 10-12 tuổi: Đích thân thể nghiệm kiếm tiền không phải là chuyện dễ dàng nên phải có ý thức tiết kiệm nhất định.
Từ 12 tuổi trở lên, trẻ có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh giống như người lớn.
Người Do Thái dạy con cách quản lý tài sản không phải để biến trẻ thành cái máy kiếm tiền rồi tiêu tiền, mà là để giúp chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn, biết trân trọng đồng tiền và sức lao động.
4. Độc lập
Xã hội hiện đại không thiếu những người 30, 40 tuổi vẫn ăn bám bố mẹ, không bao giờ chịu lớn. Những trường hợp này, lỗi của ba mẹ là chủ yếu.
Tất cả tình yêu trên đời này, mục đích của nó đều ở sự tụ họp, chỉ có một thứ tình yêu, mục đích của nó là sự chia ly, đó chính là tình yêu của ba mẹ. Bố mẹ có thể cùng con trưởng thành, nhưng con đường tương lai chúng bắt buộc phải tự mình bước đi.
Quá yêu thương, chiều chuộng con sẽ mang lại nhiều hệ lụy. Dù nhiều tiền hay tầm nhìn xa tới đâu, cha mẹ cũng nên rèn giũa cho trẻ sự độc lập và tự chủ trong cuộc sống.
(Theo sohu)