Phong cách sống

35 tuổi phải đi rải CV là thất bại? Các quản lý nói: Có 1 điểm Gen Z không thể bằng họ, đôi lúc "gừng càng già càng cay"

TIN MỚI

"Sau 35, nếu muốn chuyển job thì phải để head hunt đến tìm mình".

"Sau 35, nếu muốn chuyển job thì việc ra riêng, tự làm nên là một trong những options".

"Sau 35, thậm chí sau 30, mà phải gửi CV đi để cho người ta xem xét, thì có thể xem là một thất bại".

Đây là những quan điểm đang gây tranh cãi nhất hiện nay đến từ anh Trần Hùng Thiện - tốt nghiệp Thạc sĩ trường Đại học Hawaii, Mỹ và có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn kinh doanh Nghiên cứu thị trường, về chủ đề xin việc của những người ở độ tuổi 35+.

Chia sẻ trên trang cá nhân, anh Thiện bắt đầu bằng câu chuyện về 2 CV của lao động sau 35 tuổi. Từ đó, anh nêu quan điểm người lao động "có thâm niên" mà phải "khiêng vác" CV đi khắp nơi thì tỷ lệ thành công sẽ rất thấp. Ở độ tuổi này, những người lao động "có thâm niên" cần phải có ít nhất thành tựu gì đó để người ta nhắc đến, và người ta muốn có mình để tái lập lại thành tựu. Hoặc bèo nhất cũng phải có kỹ năng quản lý, để nếu không rành kỹ thuật thì làm quản lý dự án để cho việc nó trôi.

"Sau 35 tuổi, thậm chí sau 30 tuổi mà phải gửi CV cho người ta xem xét có thể xem là một thất bại. Lời nói này có thể nặng, không có một chút cảm thông nhưng nếu ai không thấy vậy thì thời cuộc nó cũng đã vậy rồi, ngọt ngào với nhau làm gì", anh Thiện chốt lại.

35 tuổi phải đi rải CV là thất bại? Các quản lý nói: Có 1 điểm Gen Z không thể bằng họ, đôi lúc

Ảnh minh họa

Ngoài ra, anh còn nhắn nhủ các bạn trẻ: "Những cái joke 'lương 5 triệu' đầy rẫy trên mạng, hy vọng nó chỉ là trò đùa. Bởi vì nếu nó là thật, thì vài năm nữa thôi, hàng trăm CV 35+ sẽ cạnh tranh với nhau, không chừng chỉ để có 1 cái job phòng thân chứ lương 6 -7 triệu gì cũng được.

Thế nên, các bạn trẻ ạ, thứ cần chữa lành là tương lai của mình kìa, chứ không phải là tâm hồn đang được gắn mác thời thượng "tổn thương" chỉ sau vài câu mắng của sếp đâu. Đứng dậy và chuẩn bị cho tương lai chứ đừng đi chữa cái gì, tốn tiền mà càng ngày càng toang hoác ra nhé".

Quan điểm của anh Thiện nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của dân tình. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít netizen phản đối. Để có góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số nhà quản lý.

Khi U35 tự "mò mẫm" trong thị trường lao động

Anh Nguyễn Tiến Huy (hay còn gọi là Huy Pencil) - điều hành tổ hợp truyền thông và công nghệ Pencil Group, không phản đối ý kiến của anh Thiện mà xem đó là sự chia sẻ thẳng thắn về định kiến mà người trên 35 đi tìm việc phải vượt qua và một lời nhắc nhở đến các bạn trẻ.

Tuy nhiên, dưới góc độ của mình - tức cũng là nhà tuyển dụng và điều hành doanh nghiệp, anh thấy CV giống như lời giới thiệu, mà lời giới thiệu thì luôn cần phải có trong hành trình tìm kiếm việc làm. Dù bạn thành công đến đâu thì vẫn luôn có lúc cần đến lời-giới-thiệu đó.

Với anh Huy, việc những người ở tầm tuổi 30, hay thậm chí là 35 vẫn tự mình "mò mẫm" trong thị trường lao động là điều… bình thường, bởi "mỗi người có cách riêng để tìm kiếm cơ hội của mình". Đương nhiên, định kiến về khả năng đáp ứng với nhu cầu công việc của người lao động "có thâm niên" luôn nằm trong tiềm thức mỗi người, dù chúng ta có thừa nhận nó hay là không. Vì vậy ứng viên "lớn tuổi" cần phải có những cách riêng để vượt qua định kiến

"Tôi biết rất nhiều người có năng lực nhưng không được biết tới, nên tự mò mẫm vẫn là ‘tự’ thì tốt rồi. Tuy nhiên nếu chỉ chuyển CV nhờ bạn bè tìm việc giúp thì khó.

Chúng ta sẽ không thể có những ‘mốc’ chung trong nấc thang nghề nghiệp, rồi áp cho tất cả mọi người. Mỗi người tự chọn và tự chịu trách nhiệm cuộc đời mình, nên định nghĩa nấc thang sự nghiệp đã khác nhau. Mọi mốc chung đều là định kiến", anh Huy nói.

35 tuổi phải đi rải CV là thất bại? Các quản lý nói: Có 1 điểm Gen Z không thể bằng họ, đôi lúc

Theo anh Huy, mỗi người có cách riêng để tìm kiếm cơ hội của mình

Đồng quan điểm, anh Maximillien Quân Phạm - CEO Founder Wisematch Vietnam LTD - một công ty về công nghệ và xúc tiến thương mại đang kết hợp với Vitic trực thuộc Bộ Công thương, nhấn mạnh điều quan trọng không phải là số tuổi mà là tinh thần và sự quyết tâm của mỗi người.

Việc phải rải CV xin việc ở tuổi 35 không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn phản ánh sự biến động của thị trường lao động và sự thay đổi trong sự nghiệp của mỗi cá nhân. Đôi khi, việc này có thể là cơ hội để mở ra những cánh cửa mới, khám phá những lĩnh vực mới, và phát triển bản thân. Không có gì là "thất bại" khi một người phải tự mình khám phá và chinh phục thị trường lao động, bởi đó cũng là một phần của sự trưởng thành và học hỏi trong cuộc sống.

So với Gen Z, những người U35+ có thể không "thức thời" bằng nhưng…

Thử làm một thí nghiệm nhỏ với một số bạn Gen Z đang chuẩn bị bước chân vào thị trường lao động, khi được nói: "Nếu phải cạnh tranh với các người đi tìm việc ở độ tuổi 35+ ở cùng một vị trí, điều khiến bạn tự tin cũng như tự ti nhất?", đa phần người được hỏi cho rằng Gen Z là một thế hệ thức thời, luôn nhạy bén với công việc - đây chính là điểm mạnh của họ khi đổ bộ thị trường lao động.

Tuy nhiên, điều đáng gờm của những người lao động trong độ tuổi 35+ là kinh nghiệm thực chiến, khả năng chống chịu với áp lực. Vậy nên, việc chọn tuyển dụng thế hệ nào phụ thuộc vào "khẩu vị" của công ty cùng với đó là những yêu cầu của công việc.

Chẳng hạn ở những công việc cần tính sáng tạo như: Truyền thông, Marketing… ở cấp chuyên viên thường sẽ ưu tiên các bạn trẻ. Còn những lĩnh vực như: Giáo dục, Nhân sự, Luật pháp… thì đôi khi "gừng càng già càng cay".

Lấy ví dụ thực tế về công ty của anh Huy - một agency về truyền thông, nhân viên chủ yếu là người trẻ, còn những người U35+ sẽ thường ở cấp quản lý. Khi đi xin việc ở tầm tuổi này với các vị trí cấp thấp, các nhân sự U35+ sẽ phải "đối đầu" trực diện với rất nhiều bạn trẻ Gen Z khác ngoài kia, thậm chí là những bạn còn chưa tốt nghiệp đại học, họ sẵn sàng làm việc "không lương" để lấy kinh nghiệm và có được cảm giác với nghề nghiệp. Họ không có những "rào cản" về gia đình, về cơm áo gạo tiền… mà đôi khi làm chỉ vì đam mê. Những người tìm việc U35+ lúc này đây muốn thay đổi nghề nghiệp, họ phải chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn so với kinh nghiệm của mình.

Anh Huy nêu quan điểm: "Điều đó không có nghĩa là trên 35 tuổi ứng tuyển làm nhân viên thì không nhận. Tôi tin rằng mỗi người đều có thể tìm được một nơi làm việc phù hợp với mình, kể cả khi đã nghỉ hưu. Ứng tuyển công việc là quá trình dating giữa ứng viên và nhà tuyển dụng nên không có ai dưới ai, chỉ là sự phù hợp mà thôi. Có người 35 tuổi mà vẫn muốn chuyển nghề và họ sẵn sàng chấp nhận mọi mức lương của chuyên viên".

Chị Nguyễn Việt Anh - Phó giám đốc của VFE - một tổ chức đào tạo tiếng Pháp và hỗ trợ du học Pháp, cho rằng tuổi tác không phải vấn đề, đặc biệt trong mảng giáo dục mà chị đang công tác. Ở lĩnh vực của chị, yếu tố quan trọng nhất là năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc và độ phù hợp của ứng viên với văn hoá công ty. Đáp ứng được các yếu tố trên thì bạn là người phù hợp. Còn ở những lĩnh vực khác, các nhà tuyển dụng, nhà quản lý cũng sẽ có những yêu cầu khác về độ tuổi ứng tuyển.

"Công ty mình còn tuyển dụng cả các bác U50 cơ mà", chị Việt Anh chia sẻ.

35 tuổi phải đi rải CV là thất bại? Các quản lý nói: Có 1 điểm Gen Z không thể bằng họ, đôi lúc

Công ty của chị Việt Anh còn tuyển nhân sự ở độ tuổi U50

Nhật Anh (26 tuổi) hiện đang trưởng nhóm phụ trách Marketing tại một công ty truyền thông tại Hải Phòng. Như anh Huy, do yêu cầu công việc, các đồng nghiệp của Nhật Anh đều rất trẻ và một trong những ưu tiên khi tuyển dụng người mới mà ban lãnh đạo đưa ra cũng là "trẻ".

"Lý do thì mình nghĩ ai cũng hiểu, các công ty bây giờ đều đánh giá cao năng lượng và sự sáng tạo không ngừng nghỉ mà lứa tuổi trẻ mang lại. Các bạn ấy sẵn sàng thích nghi với công nghệ mới và các xu hướng thị trường, đồng thời có khả năng đưa ra các ý tưởng mới mẻ, thậm chí là có phần ‘ngông’ và ‘điên’ giúp chúng tôi không bị tụt hậu so với các bên khác", Nhật Anh nói.

Tuy nhiên, Nhật Anh khẳng định công ty của cô cũng không hoàn toàn gạt bỏ những nhân sự có tuổi nhiều hơn. Những ngoại lệ này, dù ít ỏi, nhưng lại mang đến sự đa dạng kinh nghiệm và sự chín chắn trong suy nghĩ chiến lược. Họ giúp cân bằng đội ngũ bằng việc đưa ra những quyết định thận trọng, có tính đến rủi ro dài hạn, điều mà đôi khi lứa tuổi trẻ chưa thể nhận thức đầy đủ.

Khi tuyển dụng, nhà quản lý sẽ tùy thuộc vào đặc thù công việc và cấu trúc tổ chức. Nếu team đã có những người trẻ năng động sáng tạo, cần thêm người có kinh nghiệm để phối hợp cho hiệu quả hơn thì sẽ chọn người nhiều kinh nghiệm.

"Những người đi xin việc ở tuổi 35 thường có sẵn kinh nghiệm làm việc đáng giá và một tầm nhìn rõ ràng hơn về mục tiêu nghề nghiệp của họ, trong khi người ở độ tuổi đôi mươi có thể mang lại sự năng động, sự sẵn sàng học hỏi và sự sáng tạo. Sự kết hợp giữa sự trưởng thành và tươi mới này có thể tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phong phú, cung cấp giá trị cho cả cá nhân và tổ chức", về vấn đề này, anh Quân cũng có những chia sẻ khá tâm đắc.

Khi hỏi có "sẵn sàng tuyển những ứng viên trong độ tuổi 35+ không", phần đông các nhà tuyển dụng được hỏi đều đồng ý. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng những người ở tuổi 35 phải vượt qua định kiến độ tuổi, chứng minh rằng mình phù hợp với vị trí tuyển dụng.

"Chúng tôi tôn trọng và đánh giá cao mọi ứng viên dựa trên năng lực, kinh nghiệm và sự phù hợp với vị trí công việc. Nếu một ứng viên trong độ tuổi 30 - 35 có đủ tiềm năng và sự đam mê để đóng góp vào sứ mệnh và mục tiêu thì chúng tôi hoan nghênh họ gia nhập đội ngũ của công ty", anh Maximillien Quân Phạm nói thêm.

35 tuổi phải đi rải CV là thất bại? Các quản lý nói: Có 1 điểm Gen Z không thể bằng họ, đôi lúc

Anh Maximillien Quân Phạm sẵn sàng tuyển dụng ứng viên ở độ tuổi 35+ nếu phù hợp

Làm thế nào để phát triển bản thân toàn diện và có một sự nghiệp bền vững?

Một điều khó lòng chối cãi là dù bạn còn trẻ hay đã có thâm niên, dù mới bước chân vào thị trường lao động hay đã là "lão làng", thì đều có khả năng bị sa thải nếu không tạo được giá trị cho công ty, đặc biệt là trong thời đại kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin như hiện nay. Để điều này không trở thành sự thật, chúng ta cần có những "chiến lược" để phát triển bản thân toàn diện và có một sự nghiệp bền vững.

Ông Hoàng Nam Tiến - nguyên Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, chia sẻ để không bị lùi lại phía sau, khả năng "self-learning" (tự học), "life long learning" (học tập suốt đời) đóng vai trò vô cùng quan trọng.

35 tuổi phải đi rải CV là thất bại? Các quản lý nói: Có 1 điểm Gen Z không thể bằng họ, đôi lúc

Ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh chúng ta nên trau dồi khả năng “self-learning” (tự học) và “life long learning”

Tự học không chỉ là việc bạn mở sách ra đọc mà còn là quá trình chủ động tìm kiếm, nghiên cứu và tiếp thu kiến thức một cách độc lập. Điều này có thể xảy ra song song với việc học chính quy hoặc khi bạn cảm thấy cần phải nâng cao bản thân. Từ tự trong tự học nhấn mạnh sự năng động, linh hoạt và ý thức tự giác của người học.

Học suốt đời là một cam kết với bản thân, là quá trình không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng trong mọi giai đoạn cuộc đời. Nó giúp chúng ta không chỉ cập nhật với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường làm việc mà còn phát triển tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt.

Bên cạnh khả năng tự học, anh Huy đề xuất người lao động nên trau dồi khả năng bỏ đi những thứ đã từng học và sẵn sàng học lại từ đầu. "Đây chính là tạo giá trị cho bản thân và cho bất cứ tổ chức nào", anh Huy nhấn mạnh.

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm