Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi tin rằng nhiều người sẽ có chung cảm nhận với tôi về những khó khăn khi đi xin việc, hay nói cách khác chính là những khó khăn trong việc kiếm tiền. Làn sóng sa thải, cắt giảm nhân sự không chừa bất cứ ai, từ tập đoàn lớn cho tới doanh nghiệp nhỏ.
Người lương cao thành người lương thấp, người lương vốn đã thấp giờ thành ra chẳng đủ sống, hoặc buồn hơn là thất nghiệp, cũng chẳng phải điều quá xa lạ nữa.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần - khoảng 3 năm tới, đây là 3 kiểu người có nguy cơ ngày càng… nghèo khó vì vật giá tăng cao, tỷ lệ nghịch với dòng tiền chảy vào.
1 - Kiểu người đứng núi này, trông núi nọ
Thị trường việc làm đang trong giai đoạn khó khăn, có thể nói là cầu nhiều hơn cung. Bối cảnh này chia nhóm người đang làm công ăn lương thành 2 kiểu.
Kiểu thứ nhất: Cảm thấy trân trọng, biết ơn vì bản thân vẫn đang có việc để làm, có lương để nhận đều hàng tháng. Dù có thể phải vất vả hơn, làm nhiều hơn một chút cũng vẫn cố gắng vì không gì đáng sợ bằng thất nghiệp.
Kiểu thứ hai: Vẫn đang có việc làm, có lương đều nhưng chẳng hề trân trọng, lúc nào cũng than thở đủ đường mà tựu trung lại là muốn một công việc “việc nhẹ lương cao” đúng nghĩa.
Khác biệt trong kỳ vọng và tư duy khi đi làm khiến kiểu người thứ 2 dễ rơi vào trạng thái thất nghiệp triền miên, không lối thoát. Đơn giản vì làm gì có công việc nào nhàn hạ, nhẹ nhàng mà lương lại cao được, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như lúc này.
2 - Kiểu người trì trệ, không chịu học hỏi
Bạn có thể làm một công việc trong 3-5 năm, nhưng nếu cách thức bạn hoàn thành những công việc ấy không có gì đổi mới, sáng tạo, tôi nghĩ rằng rủi ro bạn bị thay thế là vô cùng cao.
Đừng quên, chúng ta đang sống trong thời đại mà AI có thể thiết kế hình ảnh, có thể sáng tác văn thơ, có thể phiên dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác,...; robot có thể chạy bàn, làm việc nhà,... Điều này không có nghĩa là công nghệ có thể thay thế hoàn toàn con người, nhưng nó chắc chắn sẽ thay thế những người ì ạch, trì trệ, lười học hỏi, chẳng chịu nâng cấp kiến thức, cải thiện chuyên môn nghiệp vụ.
Thử nghĩ xem, doanh nghiệp có lý do gì để tiếp tục trả lương cho một nhân viên hàng tháng, khi người nhân viên ấy đang làm những công việc mà AI có thể làm với tốc độ nhanh hơn, với mức chi phí lại rẻ hơn phân nửa?
Thế nên ở thời đại này, muốn duy trì và đảm bảo mức thu nhập hiện tại, nỗ lực làm việc chăm chỉ thôi là chưa đủ. Chúng ta còn phải không ngừng học hỏi và tuyệt đối không thể xem thường tầm quan trọng của việc học hỏi, nâng cao kiến thức. Hãy học ngay bây giờ, học bất cứ thứ gì mà bạn nghĩ là nó có ích cho công việc của mình. Bởi nếu đợi đến lúc cần mới lò dò đi học, có lẽ cũng là quá muộn rồi.
3 - Kiểu người coi thường sức khỏe
Thời trẻ bán sức kiếm tiền, lúc già dùng tiền mua lại sức khỏe. Câu nói này hẳn nhiều người đã nghe, nhưng không mấy ai xem trọng, đơn giản vì lúc này bản thân chưa bị ốm. Cứ phải đến khi gặp vấn đề sức khỏe, phải vào viện, người ta mới “giá như, ngày xưa mình đã…”.
Nhìn những người đồng nghiệp xung quanh mình, những người chỉ hơn mình vài ba tuổi, tôi nhận ra không cần phải đợi đến lúc già để phải dùng tiền mua sức khỏe. Có người 35 tuổi đã bị ung thư, có người vừa qua ngưỡng đôi mươi đã thoái hóa đốt sống cổ, trào ngược dạ dày, rối loạn giấc ngủ,... Từ bệnh nặng tới bệnh nhẹ đều có cả.
Tôi nghĩ rằng việc trẻ hóa độ tuổi ung thư, đột quỵ,... hoàn toàn không phải một lời dọa nạt hay nói quá lên. Đương nhiên, bệnh tật một phần là do gen, nhưng cũng không thể loại trừ những yếu tố chủ quan làm sức khỏe suy yếu.
Thức xuyên đêm làm việc, ngày ăn 2 bữa, hút thuốc lá, uống cà phê thay nước lọc,... tất cả những thói quen tưởng chừng chỉ là “không tốt nhưng cũng chẳng có gì nguy hại” ấy, nếu duy trì trong thời gian dài, không ai dám khẳng định đến năm 35-40 tuổi, bệnh tật không ập vào đời.
Chăm chỉ kiếm tiền, nỗ lực tiết kiệm là những điều bạn đã nghe nhiều người nói, nhiều người khuyên rồi. Việc đó là đúng, nhưng chưa đủ. Muốn giữ được tiền, đừng quên chăm sóc sức khỏe của chính mình nếu không muốn có ngày phải vét sạch của nả để trả viện phí.