Chặng đường đầu tiên với 7 năm làm tại ngân hàng
Phương Thanh tốt nghiệp Đại học năm 22 tuổi và nhanh chóng hoàn thành bằng thạc sĩ vào năm 25 tuổi với chuyên ngành về tài chính. Sau khi học xong đại học, ra trường đi làm, Thanh đã có kinh nghiệm 7 năm là một "banker" làm việc tại một ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam với mức thu nhập được xem là mơ ước của nhiều người, làm việc tại văn phòng hiện đại bậc nhất, khoác lên mình bộ vest đồng phục cực kỳ xịn xò.
Ngay sau khi vừa được bổ nhiệm lên vị trí quản lý sau rất nhiều năm cống hiến miệt mài cho công việc, Thanh lại quyết định nghỉ việc vì không thể cân bằng được giữa công việc và cuộc sống gia đình. "Tôi không đủ thời gian chăm sóc con gái đầu của mình nên quyết định dừng lại để có thời gian cho gia đình", Thanh chia sẻ.
Và sai lầm về tiền bạc trong thời gian đó
Mặc dù có mức thu nhập "trong mơ" nhưng ngay tại thời điểm xin nghỉ việc, tài sản Thanh có chỉ là vài chục triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm ngân hàng. Bởi cô đã mắc phải những sai lầm tài chính sau:
- Tận dụng tối đa hạn mức thấu chi, hạn mức thẻ tín dụng để phục vụ cơn nghiện mua sắm hàng hiệu (mỹ phẩm, quần áo, giày dép…) vào những buổi đi chơi với đồng nghiệp, khách hàng, vào việc mua quần áo hàng hiệu cho con gái đầu. Nhiều đến mức ½ số quần áo của con hầu như không mặc đến, đồ chơi cho con cũng không thiếu thứ gì…
"Thấu chi hay thẻ tín dụng đó không phải là tiền của tôi, đó là nợ. Tôi ‘còng lưng’ đi làm hàng tháng chỉ để trả hết nợ cho ngân hàng", Thanh nói.
Thanh lại quyết định nghỉ việc vì không thể cân bằng được giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Chặng đường thứ 2 với 3 năm làm kế toán
Sau khi nghỉ việc, Thanh quyết định chuyển sang làm kế toán viên tại một Tổng công ty nhà nước, thu nhập giảm một nửa so với khi làm ngân hàng. Lúc này Thanh sinh bé thứ 2 và chồng đi học nước ngoài một thời gian, kinh tế gia đình trở nên eo hẹp hơn.
Thanh bắt đầu có ý thức về việc tiết kiệm tiền, chi tiêu phù hợp hơn với thu nhập, cân nhắc kỹ lưỡng hơn với các khoản chi. "Tôi bắt đầu ghi chép chi tiêu để quản lý tiền của gia đình và có dư chút để bỏ vào tài khoản tiết kiệm. Điều mà trước đây không làm được dù thu nhập cao hơn".
Nhưng vẫn còn một sai lầm tài chính rất lớn
- Mặc dù chi tiêu hợp lý, tiết kiệm được kha khá nhưng Thanh đã để toàn bộ số tiền tiết kiệm ở trong một tài khoản tiết kiệm duy nhất của ngân hàng và nhận lãi suất khoảng 5%/năm. Tài sản của gia đình không gia tăng đáng kể trong từng đấy thời gian.
- Với Thanh các khái niệm đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ ETF, quỹ mở…), bảo hiểm, quỹ khẩn cấp, đầu tư bất động sản… chính xác là chỉ biết được trong sách vở. Mặc dù làm ngân hàng từng đấy năm thú thật thứ duy nhất Thanh dùng đó là tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm và các khoản vay nợ.
Thanh để toàn bộ số tiền tiết kiệm ở trong một tài khoản tiết kiệm duy nhất của ngân hàng và nhận lãi suất khoảng 5%/năm. Tài sản của gia đình không gia tăng đáng kể trong từng đấy thời gian.
Quyết định nghỉ việc và kinh doanh
Sau 3 năm làm kế toán, Thanh phát hiện ra bản thân không phù hợp với công việc đó, chuyên môn về kế toán không có nhiều.
"Tôi mơ ước trở thành một doanh nhân nổi tiếng, sở hữu các thương hiệu để đời. Tháng 5/2021, tôi ký đơn nghỉ việc khi chưa chuẩn bị gì về kế hoạch kinh doanh cũng chẳng có nghề tay trái nào. Suy nghĩ của tôi rất đơn giản rằng mình sẽ nhập hàng trên các sàn thương mại với giá rẻ và mang về Việt Nam để bán lại giá đắt. Nhưng dịch bệnh ập đến tôi không thể nhập hàng liên tục, hàng tồn nhập về đầy nhà mà không biết làm gì để bán. Tôi không có thu nhập nào khác ngoài vài triệu tiền trợ cấp thất nghiệp nhận được trong 9 tháng. Gia đình tôi sống dựa vào nguồn thu nhập duy nhất từ tiền lương của chồng", Thanh chia sẻ.
Sai lầm tài chính ở giai đoạn này
- Bắt đầu một công việc kinh doanh mà không biết gì về tạo dựng thương hiệu, không biết thị trường cần gì, không biết cách quản lý hàng tồn, không biết bán hàng ra sao...
- Nghỉ việc khi không có một thu nhập nào khác. Thanh nên thử nghiệm ý tưởng kinh doanh ở quy mô nhỏ trước khi bắt đầu nhập hàng về và "ngồi trên đống hàng tồn kho". Nên duy trì ít nhất hai nguồn thu nhập để khi quyết định nghỉ việc vẫn còn thu nhập khác để duy trì cuộc sống.
Giai đoạn này, Thanh bắt đầu một công việc kinh doanh mà không biết gì về tạo dựng thương hiệu, không biết thị trường cần gì, không biết cách quản lý hàng tồn, không biết bán hàng ra sao...
Bài học tài chính
Qua những sai lầm tài chính này, Thanh đã học được các bài học vô cùng tích cực về tài chính. Cụ thể như sau:
- Giảm chi tiêu lãng phí, không cần thiết do gia đình chỉ sống dựa vào nguồn thu nhập của chồng để hoàn thành việc xây dựng quỹ khẩn cấp.
- Đầu tư đều đặn, định kỳ hàng tháng. Bắt đầu với số tiền nhỏ 1 - 2 triệu/tháng và cố gắng tiết kiệm để tăng dần số tiền đầu tư theo thời gian.
- Ghi chép chi tiêu của gia đình một cách chăm chỉ và đều đặn hơn để biết được tiền đã đi vào những khoản nào.
Thanh cũng phát hiện ra rằng: "Tôi không hề mong muốn quay trở lại công việc như trước đây. Tôi tìm hiểu nhiều về kiếm tiền online là một lĩnh vực mà chắc bà mẹ bỉm sữa nào cũng thấy phức tạp. Tôi mong muốn có thể có một nguồn thu nhập nào đó để đóng góp một phần nhỏ vào tài chính gia đình và vẫn có thời gian linh hoạt để đồng hành cùng con. Hiện tại, tôi đang dành thời gian để tìm kiếm các công việc có thể làm thêm tại nhà, các công việc kiếm tiền online để gia tăng thu nhập".
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC