Nhiều ý kiến về kinh tế vĩ mô, xu hướng thị trường chứng khoán được diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” do VietnamBiz, Việt Nam Mới và WiGroup phối hợp tổ chức sáng 27/9 tại TP.HCM.
Xu hướng thị trường khó lường
Đề cập tới điểm sáng vĩ mô, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research nêu, mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 là 7% có thể đạt được, tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022. Chỉ số PMI tháng 8 đạt trên mức 50 điểm tháng thứ 11 liên tiếp, với sự cải thiện về số lượng đơn đặt hàng mới từ khách hàng cả trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, lạm phát bình quân 8 tháng được kiểm soát ở mức thấp 2,6%; cán cân thương mại 8 tháng ước tính thặng dư 4 tỷ USD và thặng dư ngân sách với thu 8 tháng tăng gần 20% so với cùng kỳ. Ngoài ra, ngành tiêu dùng hồi phục với doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng tăng mạnh 19% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa 8 tháng tăng đã vượt mức trước COVID-19, tăng 34% so với cùng kỳ 2019.
Vị này đánh giá, trong thời gian tới, động lực tăng trưởng quý 4/2022 và năm 2023 đến từ chính sách tài khóa, với gói kích thích kinh tế có thể được giải ngân nhiều hơn vào quý cuối năm nay và trong năm 2023.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc có thể dần nới lỏng các chính sách phong tỏa COVID-19 giúp thúc đẩy nhu cầu khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Nhắc đến các yếu tố rủi ro, ông Châu cho biết áp lực kinh tế thế giới càng tăng với rủi ro suy thoái sẽ ảnh hưởng tới kênh xuất khẩu của Việt Nam. CPI Việt Nam có độ trễ so với thế giới và có thể tăng mạnh vào cuối năm khi chính phủ điều chỉnh các mặt hàng như giá điện, giá y tế và kỳ vọng tiếp tục cao trong năm 2023.
Chính sách tiền tệ ngày càng có xu hướng thắt chặt hơn với cung tiền giảm và lãi suất tăng trong quý 4/2022 và 2023 trong bối cảnh NHTW trên thế giới liên tục thắt chặt chính sách. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thanh khoản thị trường bất động sản có nguy cơ sụt giảm, đặc biệt thị trường trong 2023 và 2024 có rủi ro lớn đến từ đáo hạn nợ trái phiếu, trong hai năm tới khối lượng TPDN đáo hạn gần 250.000 tỷ, sẽ tác động tới ngành bất động sản và ngân hàng.
Chuyên gia SSI nêu, thị trường chứng khoán được đánh giá vẫn hấp dẫn khi P/E (dựa trên số liệu lợi nhuận quá khứ) hiện tại khoảng 12.x, trong khi các thị trường khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đều cao hơn Việt Nam nhiều (khoảng 16.x).
ROE của VN-Index khoảng 15% cao hơn so mức 9-10% của khu vực. Tỷ giá ổn định là yếu tố NĐTNN quan tâm, tỷ giá từ đầu năm đến nay mất giá hoảng 4% so với USD, nhiều quốc gia khác (Thái Lan, Malaysia, Philippines) mất giá khoảng 10-15% so với USD.
Về triển vọng trong thời gian tới, ông Châu dự phóng lợi nhuận nhóm công ty niêm yết đạt mức khả quan, khoảng 16,7% và mức tăng trường lợi nhuận này sẽ có thể giảm trong 2023 xuống 13,3%.
Theo đó, chuyên gia SSI dự báo P/E năm nay khoảng 11,3 lần, P/E dự phóng cho 2023 khoảng trên 9,4 lần, thấp so với quá khứ.
Điểm đáng nói là chỉ số định giá của VN-Index rất nhạy cảm với đường lãi suất. Thời gian qua, lãi suất điều chỉnh tăng 1 điểm %, dự báo cuối năm nay và đầu năm sau vẫn có mức tăng khoảng 1 điểm % nữa sẽ gây áp lực lên định giá của chỉ số nói chung.
“Nhìn chung xu hướng TTCK trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó lường trong bối cảnh điều kiện vĩ mô chưa thuận lợi, không rõ ràng. Nền kinh tế cùng một lúc chịu nhiều yếu tố bất định. Trong bối cảnh đó, TTCK sẽ vẫn có những nhịp tăng - giảm, có sự phân hoá giữa các nhóm ngành và chính các cổ phiếu trong từng nhóm ngành. Các doanh nghiệp đầu ngành sẽ được lưu ý hơn do có sức khoẻ tài chính tốt”, ông Châu đánh giá.
Theo ông Châu, các nhóm ngành cổ phiếu tiềm năng gồm: ngành mang tính phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế (bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin); cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI; cổ phiếu hưởng lợi từ khi giá đầu vào giảm (cao su, săm lốp, hoá chất,…); cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng như IPO, thoái vốn công ty con hoặc kết quả kinh doanh phục hồi từ đáy; các cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất.
“Tựu chung lại, trong nguy có cơ, nhà đầu tư cần chắt lọc, thẩm định kỹ hơn. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng thanh lọc thị trường, tuy nhiên cơ hội đầu tư dài hạn sẽ tốt khi TTCK suy giảm nhưng cũng cần định giá kỹ. Nhà đầu tư cần lưu ý giá nào, thời điểm nào cần mua - bán, đặc biệt là nguyên tắc quản trị rủi ro nên được đặt lên ưu tiên hàng đầu”, ông Châu cho biết.
VN-Index có thể hồi trên 1.300 điểm
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT cho biết, ở cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Tuấn đặc biệt ưa thích giai đoạn này. Vị này đánh giá đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua, là giai đoạn có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”.
Song việc đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro của từng người. Nhiều khách hàng của ông Tuấn tầm tuổi về hưu sẽ ưu tiên lựa chọn tiền gửi tiết kiệm cho giai đoạn này.
Về bối cảnh vĩ mô thế giới, khi mà đồng USD trở nên mạnh hơn ông Tuấn không bất ngờ bởi thời gian qua Chủ tịch Fed Jerome Powell đã vạch ra đường lối chính sách rất rõ ràng. Fed nhìn vào các dấu hiệu lạm phát để đưa ra các điều chỉnh cho phù hợp.
Về Việt Nam, vị này đánh giá chúng ta “khéo” trong điều hành chính sách. Lợi thế của chúng ta là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Nếu so sánh với giai đoạn Trung Quốc đưa nền kinh tế qua cuộc khủng hoảng năm 2008-2011 thì cũng như vậy.
Đầu tư công sẽ là động lực chính cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này. Bức tranh trung hạn của chúng ta vẫn hấp dẫn, bởi duy trì một mức tăng trưởng GDP cao (dự phóng tăng trưởng trưởng GDP 7% năm 2022). Dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam đều nhìn vào các chính sách và các chỉ số như trên.
Về xu hướng thị trường chứng khoán, theo dự báo của lãnh đạo FIDT, VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý 4 năm nay.
Về các nhóm ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, có thể nhắc đến một số ngành như tiện ích điện nước, bán lẻ, y tế, hạ tầng bất động sản - khu công nghiệp…
Ông Tuấn nêu, khi lãi suất tăng, giá của tiền mặt tăng lên, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu giao thương với thế giới cũng sụt giảm, ảnh hưởng tới các mặt hàng như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may….
Khi đó bài toán quay lại với việc kích thích tiêu dùng nội địa. Muốn kích thích thì thị trường phải có “room”, người tiêu dùng cá nhân chấp nhận một mức lãi suất dịch chuyển lên khoảng 1-1,5% nhưng phải có room tín dụng. Do đó, ông Tuấn cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới tay hơn trong việc điều chỉnh room tín dụng để kích thích tiêu dùng nội địa.
“Nhờ lương thực thực phẩm mà chúng ta tự tin là lạm phát của Việt Nam trong tầm kiểm soát. Dư địa đầu tư công đang dồi dào. Nếu cuộc họp Quốc hội tới đây mà giảm được 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của xăng dầu thì giá xăng sẽ tiếp tục giảm. Về mặt vĩ mô, việc triệt tiêu kỳ vọng lạm phát là bài toán phải giải quyết, ổn định mặt bằng giá cả, ít gây áp lực lên chính sách tỷ giá”, ông Tuấn cho biết.