Đa phần dân tình đều có suy nghĩ tiết kiệm nhiều tiền là điều tốt. Có một khoản tiền dự phòng cho các mục tiêu tài chính hay chuẩn bị sẵn cho các tình huống tồi tệ dù sao vẫn tốt hơn không có gì trong tay. Song, điều này không phải lúc nào cũng đúng, nhất là khi khoản quỹ tiết kiệm của bạn nhiều hơn mức cần thiết và đang dư thừa.
"Hôm nay bạn có một khoản tiền tiết kiệm lớn mua được chiếc ô tô đắt giá, nhưng cứ để yên đó 5 - 10 năm nữa không chắc bạn đã mua được cửa xe với cùng số tiền đó. Tiền bạc đứng yên mãi thì không vượt được lạm phát và thật sự mất giá. Trữ nhiều tiền là bạn đang đánh mất cơ hội trở nên giàu có và khiến bản thân dễ nghèo khó, mất trắng khi thế giới và giá cả ngày càng đắt đỏ" - Michele Lee Fine - founder và giám đốc điều hành công ty chuyên cố vấn tài chính cho giới siêu giàu Cornerstone Wealth Advisory chia sẻ.
Nhưng làm thế nào để biết liệu bạn có đang dư thừa tiền tiết kiệm không?
Cùng xem qua 3 dấu hiệu cho thấy số dư tiết kiệm của bạn đang vượt quá tầm kiểm soát và không cần thiết dưới đây nhé!
1. Ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu
Nếu bạn có một khoản tiết kiệm ổn định nhưng vẫn không dám tiêu pha cho bất cứ thứ gì, kể cả những món đồ đáng giá giúp cuộc sống thoải mái hơn, bạn nên dừng lại. Việc chi tiền cho những thứ đắt đỏ nhưng thiết yếu không hề lãng phí chút nào. Ngược lại, nó còn giúp bạn tiết kiệm được thời gian, công sức và cả tiền bạc nhờ chất lượng tốt, độ bền cao.
Có tiền mà "ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu" chỉ khiến cuộc sống của bạn ngày càng khó khăn hơn. Càng bị ám ảnh tiết kiệm quá mức, bạn càng có thêm nhiều suy nghĩ sai lầm về chi tiêu, tài chính và khó trở nên giàu có được.
2. Quỹ khẩn cấp quá nhiều
Một trong những lời khuyên tài chính đáng giá nhất chính là hãy lập ra một quỹ khẩn cấp cho những tình huống xấu có thể xảy ra. Có một quỹ riêng để dự trù sẽ giúp bạn đảm bảo được các nguồn tiền, không thâm hụt hay sụp đổ tài chính khi gặp khó khăn, bất trắc.
Thế nhưng, số tiền cho quỹ khẩn cấp chỉ nên dừng lại ở mức bằng 3 - 6 tháng sinh hoạt phí trung bình của bạn. Còn nếu nhiều hơn, số tiền này đang bị lãng phí và việc tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp chẳng cần thiết tí nào.
3. Có tiền mà không đầu tư
Thay vì cố tiết kiệm, hãy tìm cách để tăng thêm nguồn thu. Bạn có thể bắt đầu từ những việc kinh doanh nhỏ hoặc nghiên cứu và đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, ngoại hối…
Việc làm này có thể sẽ khiến bạn lo sợ vì nhiều rủi ro hơn là cứ để tiền trong tài khoản tiết kiệm nhưng đồng thời nó cũng mở ra cho bạn nhiều cơ hội. Càng cố gắng tạo ra các nguồn thu mới, bạn càng có thể đảm bảo tài chính phát triển đều, tiền sinh nôi nảy nở ngày càng nhiều.
Ảnh: Tổng hợp