Dữ liệu mới công bố của công ty kiểm toán tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC) trong cuộc khảo sát dành cho CEO khu vực châu Á Thái Bình Dương cho thấy 26% số người được khảo sát nói sẽ cắt giảm nhân sự do có AI thay thế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tại Diễn đàn kinh tế thế giới hồi đầu năm 2024 cũng cho rằng hơn 40% lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI vào năm 2030. Sự phát triển mạnh của AI đang dần thay thế con người tại nhiều công việc, nhiều nhân sự dấy lên nỗi lo “mất việc”.
Ở phía doanh nghiệp, đại diện nền tảng phát triển trợ lý ảo Mindmaid trong chia sẻ gần đây cho biết nhu cầu doanh nghiệp sử dụng AI đã tăng 300% trong năm qua. Vị này đánh giá AI đang tác động đến lao động Việt Nam trực tiếp qua một số công việc dễ bị thay thế như nhân viên chăm sóc khách hàng, đồ họa, người mẫu chụp ảnh sản phẩm, nhân viên content marketing.
Chuyên gia: AI không thay thế hoàn toàn con người
Dưới góc nhìn người trong cuộc, ông Trần Ngọc Hùng - Giám đốc phát triển của MediaTek - công ty bán dẫn không dây cung cấp chip điện thoại thông minh – cho hay: “Chúng tôi cho rằng AI hiện nay đóng vai trò hỗ trợ nâng cao trải nghiệm người dùng, chứ không phải thay thế hoàn toàn con người. Tại MediaTek, chúng tôi xem AI như một “trợ lý cá nhân” giúp tăng năng suất làm việc, hỗ trợ xử lý những công việc lặp lại hoặc tốn thời gian, để con người có thể tập trung vào những nhiệm vụ mang tính sáng tạo và chiến lược hơn”.
Theo ông Hùng, AI đóng vai trò hỗ trợ con người, nên nhìn nhận AI từ góc nhìn tích cực hơn, tập trung vào cách AI mang lại cơ hội thay vì thách thức, giúp thúc đẩy sự đổi mới, cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả công việc, tạo ra thêm giá trị.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Xuân Bách, phó giám đốc khối sản phẩm AI, FPT Smart Cloud, trong chia sẻ mới đây cho biết: " AI giúp đào tạo nhân lực, với những doanh nghiệp có những nhân sự lớn tham gia vào doanh nghiệp. Thông thường, sẽ có những lớp học offline tuy nhiên trình độ của người tham gia trong lớp đó rất khác nhau".
Doanh nghiệp Việt Nam khát vọng làm chủ công nghệ
Nói về ngành hiện nay, MediaTek kỳ vọng Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ nhờ vào nền tảng tốt mà Việt Nam đang sở hữu. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện sự tự giác cao và khát vọng làm chủ công nghệ mạnh mẽ hơn so với nhiều quốc gia khác. Đây là một lợi thế đáng kể để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Song song, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực kỹ thuật, đặc biệt là các kỹ sư được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, sẵn sàng tham gia vào các dự án công nghệ cao, bao gồm cả lĩnh vực bán dẫn.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời, các chính sách này cũng khuyến khích sự hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, để đạt được sự tăng trưởng vượt bậc, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư nguồn lực bài bản hơn, cần nhận thức rõ rằng ngành bán dẫn là một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.
Đơn cử, MediaTek đã dành hơn 25% doanh thu của mình để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Chẳng hạn, trong năm 2023, với doanh thu toàn cầu đạt gần 14 tỷ USD, MediaTek đã chi khoảng 4 tỷ USD cho hoạt động R&D. Các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn cũng sẽ cần chuẩn bị nguồn lực dồi dào và chiến lược dài hạn.
Trong chiến lược phát triển tại khu vực Đông Nam Á (ngoài Singapore), đại diện MediaTek nhấn mạnh coi Việt Nam là một thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển tại khu vực Đông Nam Á.