Ngày mai (6/6), 13,42 triệu thí sinh trên khắp Trung Quốc sẽ bước vào kỳ thi Cao khảo (gaokao) - kỳ thi tuyển sinh đại học của "đất nước tỷ dân". Kỳ thi Cao khảo 2024 được đánh giá là "khó nhất trong lịch sử" vì đây là năm đầu tiên số lượng thí sinh tham gia kỳ thi này vượt mốc 13 triệu người (tăng 510.000 người so với năm trước). Riêng số lượng học sinh thi lại rơi vào khoảng 4,13 triệu người.
Số lượng thí sinh đông đảo là vậy, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh đại học lại rất ít, rơi vào khoảng 4,5 triệu chỉ tiêu. Điều đó có nghĩa là chỉ có khoảng 1/3 số sĩ tử có cơ hội được học đại học.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp kể từ năm 2016, số lượng thí đăng ký tham dự kỳ thi đại học tại Trung Quốc bước vào đà tăng dần đều. Cụ thể, từ năm 2016 đến 2020, mức tăng theo từng năm là 0%, 3,7%, 5,7%, 3,9%, 0,6%. Còn từ năm 2021 đến nay, mức tăng lần lượt đạt 10,7%, 8,2%, 3,9%.
Ngược lại, theo công ty phân tích dữ liệu DataVision, từ năm 2014 đến năm 2022, tỷ lệ đậu vào các trường, đặc biệt là các trường thuộc "dự án 985" (các trường có chất lượng hàng đầu, trọng điểm) lại giảm, từ 1,73% xuống còn 1,38%. Đại học 985 hay chỉ dự án 985, là chính sách quan trọng nhằm xây dựng các trường đại học Trung Quốc trở thành những ngôi trường có đầy đủ tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới. Một số trường nằm trong "dự án 985" có thể kể đến như: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Đại học Cộng nghệ Bắc Kinh...
Để đáp ứng với như cầu của thực tiễn, cùng với đó là tăng độ phân hóa, đề thi đại học năm nay sẽ được thay đổi về hình thức, cách ra đề từ "kiểm tra kiến thức" sang "kiểm tra năng lực và phẩm chất". Theo "Báo cáo Kỳ thi Đại học Trung Quốc", đề thi đại học năm nay của "đất nước tỷ dân" chú trọng đến việc đề cao kỹ năng tư duy phản biện, tăng cường kiểm tra chất lượng tư duy đặc biệt là khả năng hình thành và quy chuẩn hóa tư duy. Điều này đòi hỏi học sinh phải có tư duy linh hoạt hơn và có khả năng giải quyết vấn đề thực tế hơn.
Hắc Long Giang, Cam Túc, Cát Lâm, An Huy, Giang Tây, Quý Châu, Quảng Tây và 7 tỉnh khác sẽ lần đầu tiên áp dụng mô hình kỳ thi đại học mới "3+1+2". Cụ thể, "3+1+2" bao gồm 3 môn chính là Văn, Toán, Anh không đổi; "1" là chọn một trong hai môn Vật lý và Lịch sử; "2" là chọn hai môn trong số các môn Sinh học, Hóa học, Địa lý, Chính trị, chỉ riêng cách kết hợp đã có tới 12 phương án tổ hợp thi.
Điều này cũng có nghĩa là sẽ không phân biệt thí sinh thi tổ hợp Khoa học Xã hội hay Khoa học Tự nhiên, các em sẽ cùng nhau "tranh đấu" để quyết định xem ai là người chiến thắng.
Không có người đi trước để xin kinh nghiệm, những em học sinh ở các tỉnh thành này sẽ lần đầu tiếp xúc với mô hình thi đại học được đổi mới. Đến năm sau, học sinh của 8 khu vực bao gồm Hà Nam, Thiểm Tây, Sơn Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Ninh Hạ, Thanh Hải, Nội Mông cũng sẽ tiếp cận với kỳ thi đại học kiểu mới.
Đặc biệt, độ khó của đề thi cũng ngày càng tăng. Đơn cử như vào năm 2022, sau khi đề thi Toán của kỳ thi đại học lần thứ nhất được công bố rộng rãi, một Giáo sư dạy môn Toán cao cấp tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã làm thử. Ông mất tổng cổng 90 phút để hoàn thiện bài và kết quả cuối cùng chỉ đạt 118 điểm (tức còn thiếu 32 điểm nữa để thành điểm tối đa là 150). Thế mới thấy độ khó của đề thi Cao khảo thế nào.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những thí sinh có học vấn nổi bật so với từ hàng ngàn thí sinh sẽ chắc chắn sẽ "không phải là người bình thường"
Theo huxiu