4 ĐỘNG THÁI CỦA FOUNDER CATSA ĐỂ VỰC DẬY THƯƠNG HIỆU SAU THỜI GIAN ‘ĐÓNG BĂNG’ VÌ COVID-19
Sau 2 năm từ khi dịch Covid 19 bắt đầu bùng phát và hơn 4 tháng giãn cách, thói quen sinh hoạt và lựa chọn trang phục của mọi người đều thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, mong muốn được mặc đẹp, thể hiện cá tính và cảm xúc với người đối diện thông qua thời trang vẫn còn đó.
Khi nếp sống đô thị dần khởi sắc trở lại sau thời gian dài giãn cách, đây là lúc chuyển giao của việc kết nối từ sâu bên trong bản thân tới kết nối trở lại với cộng đồng.
Thị trường chắc sẽ cần một thời gian khá dài để phục hồi. Dịch cũng tạo ra nhiều hạn chế, dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang cũng bị giảm. Vì phải cắt giảm chi tiêu nên khách hàng cũng sẽ cân nhắc kỹ hơn khi mua sắm. Trong bối cảnh như thế, những sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý sẽ được lựa chọn nhiều hơn.
Hiểu rõ những thay đổi của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, các thương hiệu thời trang Việt đã có nhiều cách tiếp cận để vừa tăng tốc hồi phục, vừa triển khai các kế hoạch phát triển sau dịch.
Đầu tiên, thay vì phụ thuộc vào một đơn vị sản xuất, CATSA - một thương hiệu thời trang nam của Việt Nam đã xây dựng một nền tảng vững chắc khi sở hữu chuỗi sản xuất đầu cuối để đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Thứ hai, CATSA cũng là thương hiệu tiên phong trong nhượng quyền mở chuỗi. Hiện tại, họ có 21 cửa hàng phủ khắp cả nước. Được biết, hệ thống các cửa hàng chủ sở hữu và nhượng quyền của CATSA đều được giữ vững trong suốt 2 năm đầy khó khăn vừa qua.
Hiện thương hiệu CATSA có 21 cửa hàng trên toàn quốc.
Nguyễn Thuỳ Linh Cát - CEO và Nhà sáng lập của thương hiệu thời trang nam CATSA cho biết: với các doanh nghiệp nhỏ, chưa có dòng vốn mạnh thì hình thức hợp tác nhượng quyền ("franchise") là một giải pháp sẽ giúp đôi bên cùng đi nhanh và đi xa hơn.
Để hợp tác franchise hiệu quả, cần phải quyết liệt để đảm bảo tính đồng bộ về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. CATSA đã phải chuẩn hoá concept, quy trình, quy chuẩn thiết kể cửa hàng, chính sách nhân viên, quy cách bán hàng... Tất cả phải được "đóng gói" kỹ lưỡng thì mới đảm bảo tính đồng bộ khi nhượng quyền được.
Có thời điểm hệ thống này phải ngừng hợp tác với hơn 20 cửa hàng không cùng tầm nhìn, không hợp tác để thay đổi và hướng tới người tiêu dùng nhưng đó là điều cần phải làm. Thị trường sẽ tự động đào thải những thương hiệu, những cửa hàng thời trang không có đủ nguồn lực.
Thứ ba, một thay đổi quan trọng nữa là sự tăng trưởng mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến.
Khi khách hàng bước vào một cửa hàng vật lý, bạn có thể tạo ra rất nhiều điểm chạm để gây ấn tượng với họ, từ trải nghiệm khách hàng, dịch vụ, không gian, mùi thơm... Nhưng mua bán trực tuyến lại là câu chuyện cạnh tranh của hàng ngàn thương hiệu có chất lượng sản phẩm tương đương - nếu chỉ nhìn qua hình ảnh. Vì thế mà việc đầu tư xây dựng thương hiệu và brand love sẽ là cực kỳ quan trọng, để giữ chân khách hàng.
Cuối cùng, một bước đi khác của các thương hiệu thời trang trong nước để giữ lấy thị phần là bắt tay cùng nhau. Bộ sưu tập "Người đô thị" cũng là dự án bắt tay đầu tiên của CATSA và MÔI ĐIÊN, đang đi theo định hướng đó.
Nguyễn Thuỳ Linh Cát - CEO & Founder của CATSA từng lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 Việt Nam năm 2018, còn Tom Trandt - CEO & Founder của MÔI ĐIÊN là năm 2020.
BỘ SƯU TẬP "NGƯỜI ĐÔ THỊ" CỦA 2 FORBES 30 UNDER 30 VIỆT NAM CÓ GÌ?
Nói về dự án này, Tom Trandt - Nhà sáng lập thương hiệu MÔI ĐIÊN, cho hay: "Cả tôi và Cát đều có nhiều điều để trao đổi với nhau về quan điểm thời trang, góc nhìn về thiết kế, về thị hiếu, về thị trường... Mỗi chúng tôi có những trải nghiệm và kinh nghiệm khác nhau.
Trong dự án này, tôi và Cát có cơ hội cùng nhìn nhận lại những trải nghiệm đó và đưa ra những hướng đi được cho là tốt nhất trong giai đoạn này. Hai cá tính thời trang khác nhau khi kết hợp sẽ phải tìm cách để dung hòa nhưng không đánh mất đi cốt lõi của từng bên".
Kết hợp cùng nhau sẽ giúp cả hai thương hiệu chạm tới được những vùng đất mới, không chỉ trong sáng tạo mà cả trong kinh doanh thời trang, giữa bối cảnh rất đặc biệt này.
Đồng thời, việc tận dụng được thế mạnh của nhau sẽ giúp các thương hiệu tối ưu hoá được nguồn lực trong giai đoạn hồi phục, yên tâm đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo và chất lượng dịch vụ khác nhằm tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo.
Chia sẻ thêm về hướng tiếp cận này sau thời gian giãn cách kéo dài, Nguyễn Thuỳ Linh Cát, bày tỏ: "Tôi rất muốn đồng hành cùng các thương hiệu chất lượng khác của Việt Nam để tiếp tục mang đến những giá trị tốt hơn cho khách hàng và cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh nội địa sung sức, cạnh tranh lành mạnh, đưa các thương hiệu thời trang trong nước cùng nhau đi lên và tiến ra những thị trường xa hơn, khó tính hơn".
Trong suốt giai đoạn giãn cách kéo dài tại Việt Nam, nỗi nhớ nhung về đời sống đô thị nhộn nhịp và tình yêu cuộc sống đã nuôi dưỡng cảm hứng cho các nhà thiết kế trẻ. Từ cách đặt tên từng sản phẩm, ý đồ thiết kế cho tới cách kể chuyện về cảm hứng… các bộ sưu tập streetwear của thương hiệu thời trang trong nước đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
Ngoài ra, trong 15 looks của BST "Người đô thị" (CATSA x MÔI ĐIÊN) còn có các thiết kế mang tên Ga Tàu, Tàu Điện, Quảng Trường, Giao Lộ, Trung Tâm, Bê Tông, Quy Hoạch…với ý đồ thiết kế và thông điệp độc đáo riêng, phản ánh đời sống đô thị gần gũi.
Một vài sản phẩm trong Bộ sưu tập "Người đô thị".
Những điều gần gũi và mang đậm hơi thở địa phương là thế mạnh cần được các doanh nghiệp thời trang trong nước khai thác, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Một sự thay đổi mạnh mẽ sẽ giúp thị trường thời trang trong nước nhanh chóng hồi phục hơn và phát triển bền vững hơn trước sự cạnh tranh từ các thương hiệu lớn của nước ngoài.
Ở khía cạnh khác, nếu ngành thời trang Việt Nam là miếng bánh 38 triệu USD, thì streetwear (thời trang đường phố) là một góc nhỏ 10 triệu USD, theo chia sẻ của các chuyên gia tại sự kiện SR Fashion Business Talk Ep 8: Business of Streetwear. Sự xuất hiện của các hãng thời trang thể thao đến các hãng thời trang nhanh đổ bộ vào Việt Nam đang cho thấy đây là một thị trường lớn tiềm năng cần khai phá.
Điểm khởi đầu của văn hóa đường phố đến từ các cộng đồng người da màu tại Mỹ cuối những năm 60, 70 thế kỷ trước. Từ những bước chập chững phát triển ban đầu, streetwear đã biến từ một "đứa trẻ bên lề" thành "đứa con cưng" của ngành thời trang.
Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đều cố gắng thực hiện ít nhất một dòng sưu tập streetwear bên cạnh các phong cách chủ lực khác của họ như tuyên ngôn mạnh mẽ cho tầm ảnh hưởng của streetwear, đồng thời thể hiện kế hoạch trẻ hóa thương hiệu của các ông lớn xa xỉ khi quyền lực của thế hệ người tiêu dùng thuộc genY, genZ ngày càng gia tăng.
Nếu các ông lớn thời trang quốc tế đang đổ bộ khai thác thị Việt Nam với các thiết kế đại trà, giống nhau tại hầu hết các thị trường trên thế giới thì các thương hiệu thời trang trong nước (local brands) đã tận dụng tốt lợi thế am hiểu văn hoá bản địa để đưa các câu chuyện gần gũi với người tiêu dùng vào các thiết kế của mình.
Sân chơi thời trang trong tương lai gần sẽ khác hẳn so với giai đoạn trước dịch. Thế nên doanh nghiệp cần phải chú tâm vào nhiều khía cạnh hơn, để tạo ra sự khác biệt và mang đến cho khách hàng nhiều lợi ích hơn.