Minh bạch thông tin
David Graham, người sáng lập và là giám đốc điều hành của trung tâm giáo dục Code Ninjas ở Mỹ, thường bắt đầu cuộc họp bằng câu nói: "Không có ý tưởng nào là ngu ngốc, vậy hãy cứ để chúng được tuôn trào. Bạn không thể biết những gì bản thân nói ra có thể truyền cảm hứng cho những người khác, ngay cả khi chúng không khả thi".
Phát biểu này loại bỏ mọi căng thẳng bằng cách minh bạch mọi thông tin và khuyến khích mọi ý tưởng được đưa ra.
Khi một ý tưởng được đề xuất, Graham sẽ đặt ngược lại các câu hỏi để xác định có thể triển khai được không như: Chúng có thể gặp phải rủi ro gì? Chúng ta sẽ làm gì để giảm thiểu những rủi ro đó? Đề xuất này có nằm trong lĩnh vực chuyên môn của chúng ta không? Hiệu quả tác động đến đâu?
Khi trả lời được những câu hỏi trên, dự án sẽ được thông qua.
Chia sẻ quá trình ra quyết định
Theo lẽ thông thường, phong cách quản lý độc đoán sẽ có thể đạt hiệu quả trong công việc. Nhưng ngày nay, lối suy nghĩ này dần thay đổi bởi thành công trong phong cách quản lý đòi hỏi sự hợp tác thay vì mệnh lệnh.
Những nhà quản lý tài ba nên yêu cầu mọi thành viên tham gia vào việc quyết định như một phần thiết yếu, nhằm tăng sự trách nhiệm và hiệu quả trong công việc.
Lắng nghe nhưng không sao nhãng
Trước khi xác định bản thân có phù hợp để lãnh đạo hay không, cá nhân mỗi người cần phải đặt câu hỏi: Tôi có phải là người biết lắng nghe không? Bởi đây là tố chất của một người lãnh đạo.
Nghiên cứu được công bố trên Harvard Business Review năm 2018 ủng hộ bằng chứng cho thấy những nhà lãnh đạo biết lắng nghe sẽ được coi là người quản lý giỏi, tạo ra niềm tin, mang lại sự hài lòng trong công việc và khả năng sáng tạo nhóm.
Trên thực tế, một lý do khiến các nhà lãnh đạo không chịu lắng nghe là do bản thân sợ bị đánh giá là yếu kém, không có quyền quyết định. Hoặc đơn giản họ đang chịu áp lực về thời gian hay bị phân tâm bởi những suy nghĩ khác.
Tạo dựng môi trường bình đẳng
Sự kiệt sức của nhân viên là mối đe dọa thực sự với chính nhà quản lý. Nghiên cứu gần đây do Gallup thực hiện cho thấy 23% nhân viên thường xuyên hoặc luôn cảm thấy kiệt sức tạo nơi làm việc; 44% nói đôi khi cảm thấy kiệt sức. Điều đó có nghĩa đến 2/3 nhân viên trong các công ty có thể bị kiệt sức bất cứ lúc nào trong công việc.
Theo đó, các nhà lãnh đạo cần phải đối mặt với việc thúc đẩy và tạo dựng một môi trường làm việc lành mạnh, nhân viên cảm nhận sự vui vẻ, thoải mái để nâng hiệu suất công việc.
Truyền cảm hứng cho những người xung quanh
Một nhà lãnh đạo tuyệt vời không chỉ duy trì sự tập trung vào bản thân mà còn phải biết giảng dạy, động viên và chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình với những người xung quanh.
Thay vì ép nhân viên nghe theo bằng uy quyền, hãy trở thành nguồn kiến thức, phương tiện để mọi người học hỏi và nhận được sự kính nể từ chính đặc điểm này.
Đưa ra quyết định hiệu quả
Không có nhà lãnh đạo vĩ đại nào được biết đến là người thiếu quyết đoán. Do vậy, bản thân người quản lý giỏi cần phải tạo dựng được niềm tin cho những người xung quanh, phán đoán tốt để đưa ra các quyết định và chắc chắn về nó. Sự quyết đoán chính là chìa khóa dẫn đến những điểm tiếp theo.
Kỷ luật
Dù minh bạch, công bằng nhưng nhà quản lý giỏi luôn là người thực hành tự kiểm soát và tự kiềm chế. Họ tuyệt đối không để cảm xúc, ham muốn hay những suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng đến những phán quyết và hiểu rằng thành công của bản thân phụ thuộc vào nó.
Cầu toàn
Một nhà lãnh đạo tài ba sẽ không nửa vời khi hoàn thành công việc. Họ luôn gương mẫu trong mọi trường hợp và hiểu rằng vẻ đẹp của mọi thứ nằm ở các chi tiết nhỏ nhất trong công việc.
Họ sẽ là người vượt lên trên tất cả, đặt tiêu chuẩn ngày càng cao hơn cho bản thân và những người khác vì muốn mọi kế hoạch được đề ra trong công việc phải chỉn chu nhất.
Biết cách đọc vị người khác
Một người quản lý tinh tường phải có nhận thức xã hội để xác định đối phương có đang nói dối hoặc ngụ ý trong chia sẻ. Họ sẽ không ngừng nỗ lực để tìm hiểu về cách người xung quanh đang làm việc cũng như những xu hướng và hành vi.
Khi biết cách đọc cảm xúc, bao quát mọi vấn đề, việc quản lý nhân sự cho đến điều phối công việc trở nên dễ dàng hơn.
Biết chấp nhận sự chê trách, chỉ trích
Học và chấp nhận khi ai đó chê trách việc đang làm là điều mọi nhà quản lý phải thực hiện. Bởi chính những phản hồi của người khác có thể khiến mỗi cá nhân trở nên mạnh mẽ và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Nhưng trước hết, những nhà quản lý cần học được cách chịu được "sóng gió", đối diện với những thiếu sót và dần thay đổi thay vì lập tức phản bác, bài xích.
(Theo Lifehack, INC)