Doanh nghiệp

10 năm EVNSPC đưa điện đến Phú Quốc

Tháng 2/2014, đường lưới điện ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc chính thức vận hành. Đây cũng là thời khắc đáng nhớ của người dân Phú Quốc bởi lần đầu tiên huyện đảo chính thức dùng điện từ lưới điện quốc gia.

Giảm giá điện sinh hoạt tại đảo gần 50%

Theo EVNSPC, dự án lưới điện ngầm xuyên biển ra Phú Quốc là công trình lớn của ngành điện nói chung và Tổng công ty Điện lực miền Nam nói riêng. Công trình có ý nghĩa về kinh tế xã hội, góp phần giúp thay đổi đời sống, kinh tế huyện đảo trong một thập niên. Cũng trong năm 2014, Phú Quốc nâng lên đô thị loại 2, là thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Dự án có hạng mục chính gồm tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển chiều dài 57,33 km; kết cấu một sợi cáp 3 lõi 630 mm2. Đại diện EVNSPC cho biết tuyến cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 2.336 tỷ đồng.

Điểm đầu của tuyến cáp ngầm bắt đầu từ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên; điểm cuối tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc. Trước đó, để đấu nối cho dự án cáp ngầm Phú Quốc và tăng cường khả năng cung cấp điện cho thị xã Hà Tiên, EVNSPC đầu tư hai công trình lưới điện 110 kV đồng bộ với dự án này. Công trình gồm đường dây 2 mạch 110 kV Kiên Lương - Hà Tiên có chiều dài 18,2 km và Trạm biến áp 110/22 kV - 40 MVA Hà Tiên có công suất 40MVA đã đóng điện vận hành vào 1 năm trước, tháng 2.2013.

Cáp ngầm đưa điện ra đảo vào tháng 2/2014. Ảnh: EVNSPC

Cáp ngầm đưa điện ra đảo vào tháng 2/2014. Ảnh: EVNSPC

Tổng công ty còn triển khai công trình điện, hạ tầng lưới điện trên đảo nhằm phát huy hết công năng của nguồn điện từ đất liền. Mục tiêu đặt ra: nâng cao năng lực cung cấp điện; cấp điện mới cho nhân dân tại khu vực xã Gành Dầu, Bãi Thơm cũng như phụ tải quan trọng khác trên huyện đảo Phú Quốc như sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới...

"Dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc giúp cuộc sống của người dân và các doanh nghiệp trên huyện đảo Phú Quốc sang trang, có nguồn điện an toàn, ổn định trong 10 năm qua", đại diện đơn vị nói. Công trình còn tăng giá trị thu nhập trên 200 tỷ đồng cho huyện đảo do giá điện giảm đến 50%, từ mức trung bình 5.060 đồng/kWh xuống khoảng 2.000 đồng/kWh - tương đương giá bình quân trong đất liền.

Đại diện EVNSPC nhấn mạnh, dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc thực hiện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện quốc gia với khả năng truyền tải công suất lên đến 131 MVA. Công trình đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao sức cạnh tranh, góp phần đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của cả nước, khu vực và quốc tế, góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường cho huyện đảo.

Công trình đường dây 220 kV dài nhất Đông Nam Á vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc đưa vận hành vào tháng 10/2022. Ảnh: EVNSPC

Công trình đường dây 220 kV dài nhất Đông Nam Á vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc đưa vận hành vào tháng 10/2022. Ảnh: EVNSPC

Thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói"

Phú Quốc là thành phố biển đảo của Việt Nam có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh.10 năm qua, huyện đảo chứng kiến sự thay đổi, ở nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch - nhóm ngành được ví là "công nghiệp không khói".

Huyện đảo được nhiều kênh truyền thông hàng đầu thế giới đề cao, vinh danh là một trong 10 bãi biển hoang sơ và yên tĩnh nhất thế giới; một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Nơi đây còn nằm trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới, một trong những hòn đảo được yêu thích nhất châu Á...

Lượng du khách đến Phú Quốc luôn luôn tăng. Theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, một năm sau khi có điện về đảo, năm 2015 Phú Quốc đón 913.000 lượt du khách. Sang năm 2016 số lượt khách đến đảo tăng gấp rưỡi, hơn 1,5 triệu lượt đến năm 2019 đạt trên 5,1 triệu. Sau thời gian gián đoạn bởi Covid-19, tính đến tháng 10/2023 đã có gần 5,2 triệu lượt du khách đến đảo. Điều đáng lưu ý, tỷ lệ du khách quốc tế đến Phú Quốc năm sau luôn tăng hơn so với năm trước.

Chuyên gia nước ngoài tham gia dự án cáp điện ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Ảnh: EVNSPC

Chuyên gia nước ngoài tham gia dự án cáp điện ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Ảnh: EVNSPC

Khách đến đảo đa số lưu lại dài ngày. Đến nay, có nhiều chuyến bay quốc tế bay thẳng đến Phú Quốc với tầng suất 2-4 chuyến mỗi tuần. Các đường bay quốc tế cố định đến đảo như: từ Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan, Malaysia...

Tổng công ty Điện lực Miền Nam cũng cho biết, sau khi tuyến cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc đi vào hoạt động, phụ tải sử dụng điện Phú Quốc tăng trưởng liên tục với tốc độ bình quân trung bình trên 45% một năm. Đây là tỷ lệ tăng trưởng trong sử dụng điện rất cao so với nhiều địa phương khác. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải sử dụng điện đang tăng nhanh của đảo Phú Quốc, năm 2018, đơn vị đã tăng công suất TBA 110 kV Phú Quốc từ 2x40MVA lên 2x63MVA. Tổng công ty đồng thời triển khai đầu tư nhiều công trình điện trên đảo, đặc biệt là xây dựng đường dây 220 kV vượt biển dài nhất Đông Nam Á đất liền ra đảo Phú Quốc.

Đại diện EVNSPC phân tích, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế của những năm đại dịch bùng phát và thời kỳ hậu Covid-19 nên nhìn chung tình hình phát triển phụ tải trên địa bàn thành phố Phú Quốc từ năm 2020-2023 tương đối thấp so với các năm trước. Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng để bảo đảm cung ứng đủ điện trong giai đoạn tới luôn được chú trọng. Dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2024-2030 của đảo Phú Quốc sẽ tiếp tục nóng do hàng loạt dự án đầu tư khách sạn, resort đang gấp rút triển khai thi công, hoàn thiện.

"Giai đoạn 2023-2025 bình quân mỗi năm sẽ tăng 17%. Tổng công suất phụ tải đăng ký sử dụng điện đến năm 2025 tại Phú Quốc đạt 502,9 MVA", đại diện EVNSPC nói.

Vận hành trạm 110 kV tại Phú Quốc cấp điện cho đảo ngọc. Ảnh: EVNSPC

Vận hành trạm 110 kV tại Phú Quốc cấp điện cho đảo ngọc. Ảnh: EVNSPC

Để đảm bảo khả năng cấp điện cho đảo Phú Quốc, đơn đã triển khai loạt dự án quan trọng. Trong đó bao gồm dự án đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc với tổng mức đầu tư lên đến 2.212 tỷ đồng để tăng cường cung cấp nguồn điện cho đảo Phú Quốc. Tháng 10/2022, đơn vị đóng điện hai công trình này và đường dây 110 kV Phú Quốc, Nam Phú Quốc.

Quy mô công trình gồm hai mạch có tổng chiều dài 80,4 km, 169 vị trí cột. Trong đó, đoạn trên bờ thuộc huyện Kiên Lương dài 12,8 km với 39 vị trí cột; đoạn trên biển dài 64,7 km với 117 vị trí cột. Đoạn trên đảo Phú Quốc dài 2,9 km với 13 vị trí cột, thiết kế cột tháp sắt hai mạch trên không mạ và sơn chống muối biển, tiết diện dây dẫn phân pha 2xAACKP-400/95.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phú Quốc nhận định đường dây 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc là công trình thế kỷ của huyện đảo. Dự án giải quyết khó khăn về điện cho nhu cầu phát triển của Phú Quốc, đặc biệt là về du lịch, thương mại, dịch vụ...

Sau các sự kiện này, tình trạng quá tải kéo dài trên lưới điện phân phối đảo Phú Quốc cơ bản được giải quyết. Bên cạnh đó nguy cơ do quá tải cáp ngầm 110 kV Hà Tiên, Phú Quốc không còn, độ tin cậy cung cấp điện được nâng cao.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm