Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người đang giữ cho mình một cách làm việc xưa cũ, cứng nhắc. Nếu không thay đổi, họ sẽ trở thành những người lạc hậu, đi sau thời đại.
Hãy cho các ý tưởng mới một cơ hội và bạn sẽ phải ngạc nhiên về kết quả của nó. Bạn có thể hoàn thiện bản thân, tạo ra những bước đột phá trong sự nghiệp trong năm 2022.
1. Bắt đầu tạo một blog — Nat Eliason đã viết một bài báo có tên "How to Start a Blog that Changes Your Life" (Làm thế nào để thay đổi cuộc sống của bạn bằng một blog). Nhờ trang blog của mình, anh đã có thể thành lập một công ty tiếp thị nội dung trị giá hàng triệu USD, thu hút 10–20.000 lượt truy cập mỗi ngày và kiếm được hơn 10.000 USD mỗi tháng,... Blog này cũng đã giúp anh có cơ hội kiếm được việc làm tại một số công ty nổi tiếng. Những ý tưởng và các bài báo mà anh chia sẻ đã trở thành các sản phẩm có thể kinh doanh thật sự. Giá trị của việc dùng kiến thức của mình để xây dựng cộng đồng khán giả trực tuyến là không hề nhỏ. Ngay cả khi bạn không muốn trở thành một nhà văn, thì việc tạo ra một blog để lưu giữ, chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng của mình cũng có vô số lợi ích. Bản thân là một blogger, tôi đã tạo dựng được cuộc sống khá ổn định nhờ vào các kỹ năng của mình. Tôi đã tiếp cận được hàng triệu độc giả, xuất bản sách và nhận được một số cơ hội nghề nghiệp nhờ vào các bài viết của mình. Viết blog sẽ dạy bạn cách sắp xếp suy nghĩ và tất cả những điều mà bạn nhận được từ việc kết nối với mọi người là vô giá.
2. Portfolio (Hồ sơ thể hiện năng lực) quan trọng hơn Resume (Bảng thông tin tóm tắt) — Xây dựng một bộ hồ sơ có thể thể hiện tất cả khả năng của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc liệt kê chúng thành các gạch đầu dòng trên một tờ giấy giống như những người khác. Hãy đặt mục tiêu để trở thành một người mà ai cũng "có thể tìm thấy được", họ có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin cần thiết khi nhập tên hoặc các dự án của bạn. Việc tiếp thị nội dung không chỉ là dành cho các doanh nghiệp, mà nó còn là một trong những công cụ giúp các chuyên gia nâng cao trình độ và thu hút sự chú ý của công chúng trong từng lĩnh vực cụ thể. Nếu bạn đã tạo ra được một thứ gì đó, hãy chia sẻ nó với thế giới.
3. Chiến lược truyền thông trên mạng xã hội — Để lại những ấn tượng sâu sắc trong đầu của người khác là một cách tuyệt vời để bạn có thể kết nối với mọi người xung quanh. Tôi đã xây dựng được một lượng người theo dõi khá ổn định trên Twitter, bằng cách thường xuyên tương tác, 'trích dẫn tweet' của họ. Điều đó thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm đến những suy nghĩ và câu chuyện của họ, muốn lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Hãy làm điều này một cách thường xuyên với tâm thế thoải mái, thân thiện thay vì toan tính, cố gắng để kết nối.
4. Bắt kịp thời đại — Rất nhiều người đã hỏi tôi rằng: "Việc xây dựng nội dung, thương hiệu và truyền thông có thật sự cần thiết không?" Vâng. Bạn hoàn toàn có thể tìm được một công việc mà không cần phải làm bất kỳ điều gì kể trên, nhưng là các kỹ năng này có thể sẽ giúp bạn thành công hơn trong sự nghiệp của mình. Đặc biệt là trong thời đại 4.0 hiện nay, mọi người đều điện thoại và máy tính để giao tiếp, kinh doanh... Rất nhiều những cơ hội đang mở ra. Vậy tại sao chúng ta lại lựa chọn chỉ là một người tiêu dùng, trong khi lợi ích của sản xuất đang là vô hạn?
5. Chủ động chuẩn bị trước mọi thứ — Khi đi phỏng vấn xin việc, hãy chuẩn bị sẵn cho mình những ý tưởng, tài liệu hoặc các kỹ năng cần thiết và thể hiện cho họ thấy rằng bạn có thể giúp công ty đó phát triển như thế nào. Tôi đã từng thấy rất nhiều các dịch giả và doanh nhân làm điều này. Họ sẽ gửi một số tài liệu có chú thích về việc thay đổi trang web của khách hàng tiềm năng hoặc quay một video ngắn mô tả cách mà họ sẽ sử dụng để giúp khách hàng kiếm được nhiều tiền hơn. Đừng chỉ ngồi chờ cơ hội đến, hãy chủ động cho các công ty thấy lý do tại sao họ thật sự cần bạn.
6. Bắt đầu kinh doanh — Hãy tìm cách chuyển các kỹ năng thành thứ mà bạn có thể sử dụng để thay thế cho công việc của mình. Giống như việc kinh doanh, nếu làm tốt, bạn sẽ có toàn quyền kiểm soát sự nghiệp cũng như cuộc sống của mình. Hãy thử nghĩ về điều đó, nó sẽ giúp bạn có được nhiều ý tưởng sáng tạo hơn trong công việc. Đồng thời, nó cũng mang lại cho bạn sự linh hoạt và khả năng thích ứng. Đây là hai trong số những yếu tố quan trọng nhất giúp chúng ta thành công hơn trong sự nghiệp.
7. Càng hiếm thì càng có giá trị — Các kỹ năng mà bạn có càng hiếm thì giá trị của bạn càng cao. Điều này đồng nghĩa với việc bạn càng có nhiều cơ hội. Vậy làm thế nào để bạn có được điều đó? Hãy xây dựng cho mình một "talent stack" - thuật ngữ của Scott Adam về việc phát triển một loạt các kỹ năng bổ sung. Ví dụ với chính bản thân tôi, tôi có thể viết, nói trước đám đông và quay video. Tôi biết tiếp thị nội dung và SEO, tôi hiểu tâm lý và có khả năng thuyết phục người khác. Tôi đọc và nghiên cứu về rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có hiểu biết cơ bản về chúng... Vì vậy, hãy tập trung phát triển năng lực cốt lõi ở một kỹ năng hoặc một lĩnh vực kiến thức nào đó, rồi sử dụng các kỹ năng và kiến thức phụ trợ để có được những hiểu biết và chiến lược mới, phù hợp hơn cho sự nghiệp của bạn.
8. Có trách nhiệm với công việc — Khi làm việc tại một công ty tiếp thị kỹ thuật số với tư cách là giám đốc dự án, tôi thấy rằng công ty này cần phải giám sát mọi thứ, từ việc nghiên cứu các kỹ thuật tiếp thị nội dung mới, thay đổi các chiến lược hiện tại và quá trình thực hiện tiếp thị... Dường như mọi người đều có tâm lý lơ là, không hoàn toàn chủ động trong công việc. Họ muốn chuyển sang làm một thứ gì đó mới với mức lương cao hơn. Nhưng liệu, sau khi chuyển việc, họ có thật sự yêu thích và để tâm đến công việc này? Rất khó để đưa ra kết luận. Do đó, một lời khuyên dành cho bạn: Phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra một lựa chọn nào đó. Hãy có trách nhiệm với chính những quyết định cũng như công việc của mình.
9. Làm để học, không phải vì tiền — Đây là câu nói được trích dẫn từ một trong những cuốn sách yêu thích của tôi, Rich Dad Poor Dad. Nếu bạn tập trung vào việc phát triển các kỹ năng thay vì quá để tâm đến tiền lương, thì về lâu dài, bạn có thể sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Ví dụ như khi làm việc tại công ty tiếp thị kỹ thuật số, họ không trả cho tôi một mức lương đáng mơ ước như nhiều người đã nghĩ, thế nhưng tôi lại có được những bài học về tiếp thị, tâm lý khách hàng, chính trị kinh doanh... tốt hơn rất nhiều so với các lớp mà tôi đã học ở trường đại học. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ: Tiền với kiến thức, đâu là thứ quan trọng hơn.
10. Đừng quá tập trung vào sự nghiệp — Nghe có vẻ vô lý, nhưng hãy quên đi "sự nghiệp" của bạn. Đừng mải mê chạy theo tiền bạc và địa vị. Tôi đã từng thấy rất nhiều người cố chấp, đâm đầu vào công việc với mong muốn nhanh chóng kiếm được thật nhiều tiền và có thể đứng trên đỉnh cao của danh vọng… Điều đó làm họ cảm thấy vô cùng mệt mỏi và rơi vào bế tắc. Đừng trở thành một người giống như vậy. Hãy cố gắng tìm cách để cân bằng cuộc sống.