Tài chính

Giải mã FPT Retail: Cổ phiếu liên tục lập “đỉnh”, 2 năm Covid giá tăng 9 lần, ông lớn bán lẻ này làm ăn ra sao?

Yeah! Em vừa được thưởng 1/2 tháng thu nhập nè!!!”, Thanh Huyền vui vẻ nhắn tin khoe với người yêu sau khi nhận được email thông báo của công ty. Cô hiện là nhân viên của chuỗi bán lẻ FPT Shop được vài năm. Mới đây Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) bất ngờ thông báo khen thưởng khi hoàn thành doanh thu 2.200 tỷ đồng trong tháng 11/2021.

Không chỉ có được niềm vui từ tiền thưởng, điều làm Huyền không thể tin được nữa là cổ phiếu FRT liên tiếp lập đỉnh thời gian gần đây. Sau Tết Nguyên đán năm 2020, tin tưởng tương lai của công ty và theo lời một vài chị bạn đồng nghiệp, Huyền dành ra một ít tiền tiết kiệm để mua cổ phiếu FRT. Lượng cổ phiếu này sau khi điều chỉnh có giá chỉ tầm 10.000 đồng. Đến ngày 23/12/2021, giá FRT lập đỉnh kỷ lục lên 88.000 đồng, gấp gần 9 lần so với mức đáy.

Kết quả kinh doanh của FRT cũng khả quan khi doanh thu thuần quý 3/2021 đạt tỷ 4.993 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với quý 3/2016. Lãi gộp cũng đạt mức 695 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ 2016.

Giải mã FPT Retail: Cổ phiếu liên tục lập “đỉnh”, 2 năm Covid giá tăng 9 lần, ông lớn bán lẻ này làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Chuỗi tiên phong phục vụ fan nhà Táo

"Đã là Apple Fan thì người ta phải đổi thôi. Nói về thị phần của MWG, hiện Điện Máy Xanh và Thế giới di động đều đang chiếm 50%. Riêng Apple chúng tôi chỉ mới chiếm 25%, nên công ty sẽ tập trung vào Apple", ông Đoàn Văn Hiểu Em- CEO Thế giới di động nhấn mạnh về việc công ty này cho ra mắt chuỗi TopZone chuyên doanh đồ Apple.

Việc ông lớn này ra mắt chuỗi chuyên sản phẩm Apple khiến không ít người đưa FPT Retail ra so sánh khi công ty này đã thực hiện những điều này từ năm 2012. Được thành lập cuối năm 2012, ngay lập tức công ty con thứ 7 của tập đoàn FPT hướng tới thị trường ngách là phục vụ các fan Apple. Trở thành đại lý chính thức được Apple uỷ quyền ở cấp cao nhất, FRT có thể khai thác tối đa lợi nhuận của mảng này trên thị trường ICT.

Sang đến năm 2016, công ty này khai trương 80 khu trải nghiệm Apple corner trên toàn quốc. FRT trở thành thương hiệu được định vị khá tốt ở phân khúc trung - cao cấp khi sở hữu chuỗi bán lẻ với đầy đủ mô hình cửa hàng của Apple tại Việt Nam.

Tầm nhìn của FRT khi đánh vào tập khách hàng này được chứng minh qua kết quả kinh doanh. Giai đoạn 2014-2017, doanh số từ sản phẩm Apple liên tục tăng, kéo doanh thu toàn Tập đoàn tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm 2015, FPT Shop đạt được mức tăng trưởng nhanh nhất so với các công ty trực thuộc tập đoàn FPT với doanh thu tăng 50% so với năm 2014, lợi nhuận trước thuế tăng 338,7%. Doanh thu thuần ghi nhận tốc độ tăng trưởng CAGR 2013-2018 là 38,6% và chiếm 98% doanh thu thuần của FRT.

Đặc biệt năm 2017, doanh thu bán các sản phẩm Apple thông qua chuỗi F.Studio tăng 39% so với năm 2016, lý do bởi hãng Apple liên tục ra mắt hàng loạt sản phẩm mới như iPhone X, iPhone 8, iPhone 8 plus với nhiều tính năng vượt trội. Biên lợi nhuận năm này tăng đến 29%, với đà kéo chủ lực bởi dòng Apple.

Từ năm 2020, với nỗ lực tăng hiện diện tại Việt Nam của Apple, FRT một lần nữa ghi nhận những kỷ lục về doanh số iPhone series mới. Thống kê chỉ ngày đầu bán ra iPhone 13 hôm 22/10, FPT Shop và F.Studio by FPT đã thu về gần 200 tỷ đồng khi bán ra gần 5.000 máy, phá vỡ kỷ lục trong tất cả các kỳ mở bán.

Chạy đua cùng anh cả Thế giới di động

Được hỗ trợ lớn từ tập đoàn mẹ FPT có thế mạnh về công nghệ, quản lý vận hành… FPT Retail nhanh chóng đuổi kịp anh cả Thế giới di động trong mảng điện thoại. Vào năm 2017, khi Thế giới di động đạt thâm niên khoảng 12 năm trong ngành ICT, thì FRT chỉ mất 7 năm để hoàn thiện và trở thành "ông lớn" xếp thứ 2 trên thị trường.

Một trong những điểm then chốt khiến FRT chạy nhanh như vậy là chiếc lược tăng tốc phủ sóng.

Tháng 12/2013, FPT Shop chính thức đạt mốc 100 cửa hàng. Sang đến năm 2014 số lượng cửa hàng tăng lên gấp đôi. Tính đến tháng 12/2021, đơn vị bán lẻ thuộc tập đoàn FPT này sở hữu 3 chuỗi lớn gồm: FPT Shop (725 cửa hàng), F.Studio (15 cửa hàng), Long Châu (411 cửa hàng).

Trong lần phỏng vấn hồi năm 2017, Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail khi đó là bà Nguyễn Bạch Điệp từng tiết lộ bí quyết làm sao để mở rộng chuỗi nhanh và hiệu quả chỉ trong 2 năm. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng chuỗi bán lẻ FPT Shop nhanh chóng bắt kịp đàn anh Thế giới di động.

Chúng tôi tính toán rằng chúng tôi chỉ mở 2019 là dừng. Làm sao để mở được các cửa hàng trong 2 năm tới? Chúng tôi quan sát đối thủ, chọn ra tất cả các shop của TGDĐ có doanh thu tốt mà khu vực đó chúng tôi chưa có shop. Với danh sách đó, khu vực mà chúng tôi chưa có shop và doanh thu của đội bạn cao thì chúng tôi sẽ đặt cửa hàng”, bà Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ.

Theo bà Điệp, nếu doanh thu của cửa hàng TGDĐ khoảng 3 tỷ đồng/tháng thì của FPT Shop cũng khoảng hơn 2 tỷ và có thể dựa vào đó để chọn địa điểm mở cửa hàng mới.

Ngoài chiến lược đẩy nhanh phủ rộng, FRT còn ra cho ra mắt chương trình F-Friend và chương trình bán điện thoại trợ giá. Cụ thể, đối với F-Friend, FRT hợp tác với các doanh nghiệp để bán sản phẩm cho nhân viên với giá ưu đãi và được trả chậm. Đối với chương trình trợ giá, FRT hợp tác với các nhà mạng để bán sản phẩm.Theo đó khách hàng có thể mua điện thoại với một khoản trợ giá nhưng phải cam kết sử dụng gói cước của các nhà mạng này trong vòng 12 tháng. Theo công ty chứng khoán ACB, các chương trình này đem lại 1.575 tỷ đồng doanh thu (+104%) cho FRT trong 2018, đóng góp 10% vào tổng doanh thu thuần.

Tuy nhiên, về sau này doanh thu từ chương trình này chỉ tăng nhẹ 2,5% do chưa có nhiều các gói phí ưu đãi hấp dẫn từ nhà mạng dành cho chương trình trợ giá.

Viên ngọc Long Châu

Trong vài năm gần đây, thị trường phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị di động có sự cạnh tranh tương đối lớn. Báo cáo thường niên năm 2020 FRT cho biết ngoài việc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn như Thế giới Di động, Cellphones,… FPT Retail còn chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ với giá bán sản phẩm thường rẻ hơn các sản phẩm do đơn vị này phân phối.

Cạnh tranh khốc liệt buộc các doanh nghiệp bán lẻ xoay chuyển hướng mới để cải thiện biên lợi nhuận. Đơn cử như Thế giới di động liên tục thử nghiệm những mô hình bán lẻ mới và bắt đầu hái quả ngọt khi biên lãi gộp cải thiện đáng kể. FPT Retail cũng tham gia thử nghiệm mới nhưng có phần cẩn trọng hơn.

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ Ðiện thoại, Laptop đang tiến dần về điểm bão hòa, FPT Retail đã lựa chọn ngành bán lẻ dược phẩm là con bài tiếp theo để duy trì tăng trưởng. Quý 3 năm 2018, sau khi mua lại nhà thuốc Long Châu, FPT Retail tiến hành thành lập công ty con là Dược phẩm FPT Long Châu.

Giải mã FPT Retail: Cổ phiếu liên tục lập “đỉnh”, 2 năm Covid giá tăng 9 lần, ông lớn bán lẻ này làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Sau 3 năm, bức tranh kinh doanh của FRT đã có thêm điểm sáng nhờ chuỗi nhà thuốc Long Châu bắt đầu có lãi. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu lũy kế đạt 14.018 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu riêng chuỗi Nhà thuốc Long Châu đạt 2.529 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất FRT đạt 137 tỷ đồng, gấp xấp xỉ 8 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Dự kiến sang năm 2022, khi FRT có thể mở thêm 200-300 nhà thuốc mới, gia tăng độ phủ nhằm thực hiện chiến lược chiếm thị phần số 1 ở mảng bán lẻ nhà thuốc.

Báo cáo phân tích hồi tháng 10 của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng khẳng định chuỗi Long Châu hiện dẫn đầu thị trường tính theo doanh số/cửa hàng nhờ đa dạng sản phẩm.

Giải mã FPT Retail: Cổ phiếu liên tục lập “đỉnh”, 2 năm Covid giá tăng 9 lần, ông lớn bán lẻ này làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Long Châu cũng là yếu tố khiến VCSC nâng đánh giá tích cực về FRT trong báo cáo mới nhất hồi đầu tháng 12. Công ty chứng khoán này nhận định chuỗi nhà thuốc này đã trải qua giai đoạn rủi ro ban đầu và đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng bền vững cũng như hợp nhất thị trường.

VCSC dự báo và ước tính Long Châu hiện đứng số 1 về doanh số bán thuốc với thị phần khoảng 10% và tổng doanh thu ước tính đạt 189 triệu USD trong năm 2021. Ước tính doanh thu/cửa hàng hàng tháng của chuỗi này đã cải thiện từ 750 triệu đồng vào năm 2020 lên 1 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021 và 1,4 tỷ đồng trong quý 3/2021.

VCSC đưa ra dự báo chuỗi Long Châu sẽ lỗ ròng vào năm 2022 do số lượng cửa hàng mới cao cũng như kế hoạch tăng cường đầu tư cơ bản vào marketing, logistics và CNTT. Tuy nhiên sang đến năm 2023 Long Châu sẽ ghi nhận lợi nhuận ròng dương khi các cửa hàng trưởng thành mới và các khoản đầu tư nói trên đem lại thành quả.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm