Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần từ 26-30/9, VN-Index đứng ở mức 1.132,11 điểm, tương ứng giảm 71,17 điểm (-5,9%) so với tuần trước. HNX-Index giảm 14,19 điểm (-5,37%) xuống 250,25 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 3,63 điểm (-4,1%) xuống 84,96 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 15.714 tỷ đồng/phiên, tăng 11,89%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 13.379 tỷ đồng/phiên, tăng 10,3%.
Đa số các nhóm ngành cổ phiếu tiếp tục đi xuống ở tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường chỉ có vỏn vẹn 2 mã tăng giá đó là VGI của Viettel Global ( UPCoM: VGI ) và NVL của Novaland ( HoSE: NVL ) với lần lượt 1% và 0,47%. Ở chiều ngược lại, BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ) đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm vốn hóa lớn với 14,2%. Bộ đôi cổ phiếu VIC của Vingroup ( HoSE: VIC ) và VHM của Vinhomes ( HoSE: VHM ) giảm lần lượt 12% và 11,4%. Một cổ phiếu khác cũng giảm trên 10% là GVR của Tập đoàn CN Cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ) với 10,5%.
Giảm giá
Tại sàn HoSE, rất nhiều cổ phiếu thanh khoản cao giảm giá mạnh, trong đó, DXS của Dat Xanh Services ( HoSE: DXS ) giảm mạnh nhất với gần 30%. Trong tuần, DXS đã có trọn vẹn cả 5 phiên giảm sàn. Bên cạnh DXS, cổ phiếu công ty mẹ là DXG của Tập đoàn Đất Xanh ( HoSE: DXG ) cũng giảm đến hơn 18% chỉ sau một tuần giao dịch. Tập đoàn Đất Xanh vừa thông qua quyết định chuyển đổi 50 trái phiếu thành cổ phiếu, tương đương 50 tỷ đồng tính theo mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng/trái phiếu. Số trái phiếu này được phát hành vào tháng 4/2019. Theo đó, với mỗi trái phiếu, trái chủ sẽ được nhận 50.042 cổ phiếu DXG với giá vốn 19.983 đồng/cp.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Hai cổ phiếu từng cùng "họ" là AGM của Xuất nhập khẩu An Giang ( HoSE: AGM ) và TGG của Louis Capital ( HoSE: TGG ) giảm lần lượt 27,5% và 23,3%. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 14/10 tới đây, HĐQT Louis Capital sẽ kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu hợp nhất 550 tỷ đồng và đặt mục tiêu không lỗ. Trong khi tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.071 tỷ đồng và lãi sau thuế 122 tỷ đồng; cùng tăng khoảng 33% so với thực hiện năm trước. Đại hội cũng sẽ bỏ phiếu hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022. Nguyên nhân là do HĐQT nhận thấy phương án tăng vốn không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
Ngày 30/9, Louis Capital thông báo nhận được quyết định số 2522/QĐ-UBND ngày 23/9/2022 về việc quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời – Suối Tiên, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Trong danh sách giảm giá mạnh sàn HoSE còn có hai mã gây chú ý đó là HAH của Vận tải và Xếp dỡ Hải An ( HoSE: HAH ) và DBC của Dabaco ( HoSE: DBC ) với mức giảm lần lượt 20,5% và 20%.
Ở sàn HNX, cổ phiếu DVG của Tập đoàn Sơn Đại Việt ( HNX: DVG ) giảm mạnh nhất với 22,2%. Bên cạnh đó, cổ phiếu PVB của Bọc ống Dầu khí Việt Nam ( HNX: PVB ) cũng giảm đến 18% chỉ sau một tuần giao dịch.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Hai cổ phiếu TAR của Nông nghiệp CN cao Trung An ( HNX: TAR ) và CEO của Tập đoàn C.E.O ( HNX: CEO ) cũng gây chú ý khi giảm lần lượt 18% và 17%.
Tại sàn UPCoM, đa số các cổ phiếu giảm giá mạnh đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Trong đó, LGM của Giày da và may mặc xuất khẩu (UPCoM: LGM) giảm mạnh nhất với hơn 41%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này trong tuần qua là 1.600 đơn vị/phiên. Trong danh sách 10 mã giảm mạnh nhất sàn UPCoM chỉ có duy nhất CEN của CENCON Việt Nam ( UPCoM: CEN ) thuộc nhóm thanh khoản tốt. Cổ phiếu này cũng giảm đến hơn 25%.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.
Tăng giá
Ở chiều tăng giá, cổ phiếu LEC của BĐS Điện lực Miền Trung ( HoSE: LEC ) là mã tăng giá mạnh nhất sàn HoSE với gần 39%. Tính xa hơn, cổ phiếu LEC đã có 10 phiên tăng kịch trần từ 7.510 đồng/cp (phiên 16/9) lên 14.550 đồng/cp (phiên sáng 30/9). Theo văn bản giải trình mới đây, LEC cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào. Việc giá cổ phiếu LEC tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 23-29/9/2022 là do cung cầu trên thị trường chứng khoán. Trước đó, LEC cũng có giải trình tương tự cho giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên trong thời gian từ 16-22/9/2022.
Cổ phiếu CTF của City Auto ( HoSE: CTF ) cũng gây bất ngờ khi đi ngược xu hướng thị trường chung và tăng gần 14,5%.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Tại sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về CX8 của Constrexim số 8 ( HNX: CX8 ) với hơn 57%. Tính đến nay, cổ phiếu này đã có 8 phiên tăng trần liên tiếp từ chỉ 4.300 đồng/cp lên 8.800 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu này có thanh khoản rất thấp, chỉ khớp lệnh vài nghìn đơn vị mỗi phiên.
TKC của Địa ốc Tân Kỷ ( HNX: TKC ) là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm này. Trong tuần, TKC giảm 22,6%.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Ở sàn UPCoM, toàn bộ 10 mã tăng mạnh nhất đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. EPC của Cà Phê Ea Pốk ( UPCoM: EPC ) tăng mạnh nhất với 100% từ 18.100 đồng/cp lên 36.200 đồng/cp.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.