Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm đạt từ 14-16%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Được đánh giá là một trong những ngành có nhiều triển vọng, tuy nhiên logistics đang đứng trước nhiều khó khăn, một trong số đó là sự thiếu hụt về nhân lực. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực nói trên hiện chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường. Đồng nghĩa, cơ hội việc làm cho lĩnh vực này vô cùng rộng mở.
Vậy ngành logistics học và làm về lĩnh vực gì, mức lương ra trường ra sao mà lại trở nên ‘hot’ như vậy?
Ngành logistics có gì hấp dẫn?
Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Lĩnh vực này sẽ bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu. Ngoài ra logistics cũng sẽ kiêm luôn việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, lập kế hoạch sản xuất, đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng.
Sinh viên theo học ngành này tại các trường cao đẳng, đại học sẽ được trang bị kiến thức về khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, khoa học kinh tế và quản trị… từ đó vận dụng những kiến thức chuyên ngành để thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ logistics xoay quanh chuỗi cung ứng như sản xuất, kho bãi, vận tải… tại các doanh nghiệp, hãng hàng không, công ty xuất nhập khẩu, công ty vận tải, cơ quan hải quản.
Với những kiến thức và kỹ năng được trang bị, các tân cử nhân có thể đảm nhiệm các chức vụ như nhân viên hoạch định sản xuất, nhân viên thu mua, quản trị nguyên vật liệu, nhân viên quản trị tồn kho, chuyên viên tư vấn và phân tích chuỗi cung ứng, chuyên viên khai thác thị trường, marketing… Khi kinh nghiệm đã vững, bạn hoàn toàn có thể thăng tiến lên vị trí cao hơn như nhà quản trị cung ứng, nhà quản trị logistics, nhà quản trị dự án, giám đốc sản xuất hay quản lý vùng…
Người có chuyên môn trong lĩnh vực này có thể nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học và cơ sở giáo dục.
Đang khát nhân lực có trình độ cao, các công ty trong lĩnh vực này không ngại chi tiền để chiêu mộ nhân sự. Theo Tổng cục Thống kê, mức lương khởi điểm của ngành logistics dao động từ 350 - 500 USD/tháng (khoảng 8-12 triệu đồng). Ở vị trí quản lý, mức lương có thể đạt 3 - 4 nghìn USD/tháng (75-1100 triệu đồng), và đối với vị trí giám đốc, mức lương có thể lên tới 5 - 7 nghìn USD/tháng (125-175 triệu đồng).
Học logistics ở đâu?
Ước tính, cả nước có khoảng 50 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics. Một số cái tên có thể kể đến như trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, HV Ngân hàng, ĐH Hàng hải Việt Nam, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM… Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, ngành học này ở các trường ĐH có mức điểm chuẩn dao động 24- 27,89 điểm, theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, ĐH Kinh tế quốc dân là trường lấy mức điểm chuẩn cao nhất của ngành logistics. Đây cũng là ngành học hot của trường này khi nhiều năm liên tiếp luôn nằm trong top những ngành học có điểm chuẩn cao.
Tuy nhiên, thí sinh hoàn toàn có thể theo học ngành logistics tại ĐH Giao thông vận tải TP.HCM với mức điểm dễ thở hơn, 24 điểm. Tương ứng, thí sinh cần đạt ít nhất 8 điểm/môn đã có thể theo học.