Mới đây, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc FPT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software chia sẻ khoản chi lớn nhất của tập đoàn FPT hiện là lương cho nhân viên. Trong năm vừa qua, tập đoàn công nghệ này đã chi 22.825 tỷ đồng để trả cho nhân viên, trung bình 1 ngày khoảng 62,5 tỷ đồng, bình quân chi phí cho mỗi nhân viên khoảng 42 triệu đồng/tháng. Đối với sinh viên mới ra trường vào FPT, các bạn sẽ có thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, Phó tổng giám đốc FPT tiết lộ các kỹ sư AI, Data tại tập đoàn được trả mức lương lên đến tiền tỷ mỗi tháng, cả năm có thể lên đến hơn 10 tỷ đồng. FPT không giới hạn mức lương trần mà tính theo năng lực, hưởng theo lao động. Nếu kỹ sư giỏi, có thể tạo ra những công cụ, phần mềm hỗ trợ, họ có thể tăng thu nhập của mình.
Thậm chí, ông Tuấn kể rằng trong một số giai đoạn, lương của kỹ sư AI, Data tại FPT còn cao hơn lương của Tổng giám đốc.
Nếu so sánh mức lương của các chuyên gia AI, phân tích dữ liệu tại FPT với lương trung bình của các nhân sự làm việc các công ty công nghệ hàng đầu thế giới năm 2023, nhóm "Magnificent Seven" có thể thấy là cao hơn. Cụ thể, mức lương trung bình theo năm của các nhân viên tại Meta, Alphabet, Nvidia, Microsoft, Apple lần lượt là 379.050 USD (9,6 tỷ đồng), 315.531 USD (8 tỷ đồng), 267.000 USD (6,7 tỷ đồng), 194.000 USD (4,9 tỷ đồng), 94.000 USD (2,3 tỷ đồng).
Theo báo cáo "Thị trường IT Việt Nam - Developers Recruitment State 2022” của TopDev, kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI Engineer) và khoa học học máy (Machine Learning) là vị trí có mức lương trung bình hàng tháng cao nhất trong các kỹ sư IT, khoảng 3.188 USD/tháng (81 triệu đồng) với đối tượng có 3 năm kinh nghiệm.
Trong top 10 vị trí IT có lương cao nhất, lương kỹ sư AI xếp thứ 7, chỉ sau 6 cấp quản lý và kiến trúc sư công nghệ. Đáng chú ý, mức lương kỹ sư AI cao gấp gần 2 lần kỹ sư công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), cao gấp gần 10 lần vị trí có lương thấp nhất là IT Helpdesk (xử lý các sự cố liên quan đến máy tính).
Dẫu có mức lương hấp dẫn tuy nhiên theo đánh giá giá của nhiều chuyên gia, nhân sự của ngành này vẫn trong tình trạng “cung không đủ cầu”, một trong những vị trí được đánh giá khó tuyển dụng.
Chia sẻ trên truyền thông, TS Đinh Ngọc Minh, Chủ nhiệm cấp cao Chương trình thạc sĩ AI, Đại học RMIT Việt Nam nhận định số lượng nhân lực AI tại Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng. Số liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy năm 2022 có hơn 1.600 người Việt đang nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực có liên quan tới AI nhưng chỉ có khoảng 700 người đang làm công việc này tại Việt Nam.
Chính vì vậy, cơ hội tìm việc làm liên quan đến trí tuệ nhân tạo vô cùng rộng mở và nhiều tiềm năng cho những nhân lực chất lượng cao, vừa đáp ứng kỹ năng chuyên môn vừa trang bị đủ kỹ năng mềm trong quá trình học tập.
Học ngành gì để trở thành kỹ sư AI, Data?
Được săn đón cùng mức đãi ngộ hấp dẫn, AI trở thành ngành học ‘hot’ trong những năm gần đây. Minh chứng là điểm chuẩn của ngành luôn ở ngưỡng cao tại các trường ĐH hàng đầu trên cả nước.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2023, ngành Khoa học Dữ liệu của Trí tuệ nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn cao kỷ lục, 28,8 điểm, dựa theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê, đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao thứ 2 trong kỳ tuyển sinh năm ngoái, chỉ xếp sau ngành Khoa học máy tính.
Tại ĐH Công nghệ Thông tin, ngành trí tuệ nhân tạo có điểm chuẩn dẫn đầu trường với 27,8 điểm, tương ứng 9,2 điểm/môn. Kể từ năm 2020, điểm chuẩn của ngành chưa bao giờ rơi xuống dưới 27 điểm. Kỷ lục, năm 2022, thí sinh muốn theo học ngành trí tuệ nhân tạo tại ĐH Công nghệ Thông tin cần đạt 28 điểm.
Năm đầu tiên xét tuyển theo mã ngành riêng, trí tuệ nhân tạo cũng trở thành ngành ‘hot’ của trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội với mức điểm chuẩn 27. Ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng có mức điểm chuẩn ấn tượng, 26 điểm. Điều này tương ứng thí sinh cần đạt ít nhất 8,6 điểm mới có cơ hội trúng tuyển vào ngành.
Theo học ngành này, cử nhân sau khi tốt nghiệp có thể làm việc với một số vị trí tại các doanh nghiệp sản xuất, công ty công nghệ, Viện nghiên cứu, Công ty Viễn thông như: Kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI Engineer); Kỹ sư học máy (Machine Learning Engineer), Kỹ sư phần mềm (Software Engineer), Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist), Nhà phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analyst),...