Doanh thu từ hoạt động đào tạo lập đỉnh
Theo Báo cáo 3 công khai, tổng thu năm 2023 ĐH Bách khoa Hà Nội đạt mức 2.137 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Nhà nước (290 tỷ đồng), nguồn thu từ học phí (1.340 tỷ đồng), nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (18 tỷ đồng), các nguồn thu hợp pháp khác (488 tỷ đồng).
Nguồn thu hợp pháp khác của trường này đến từ các Dịch vụ hợp tác đào tạo, Nguồn tài trợ cho học bổng và NCKH, Thu từ BK Holdings và Nhà xuất bản Bách khoa.
Theo đó, doanh thu của trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ bao gồm học phí, hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; cung cấp các Dịch vụ khác cho sinh viên và cán bộ (ký túc xá, dịch vụ ăn uống…).
Như vậy, không tính ngân sách Nhà nước và doanh thu từ hệ thống doanh nghiệp trực thuộc, doanh thu từ hoạt động đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2023 đạt 1.545 tỷ đồng, tăng 505 tỷ đồng tương đương 48% so với năm 2022. Nếu tính trung bình, mỗi ngày, trường thu về khoảng 4,2 tỷ đồng.
Trước đó, ĐH Bách khoa Hà Nội ghi nhận mức doanh thu 927,8 tỷ đồng vào năm 2021 và 991 tỷ đồng vào năm 2020.
Doanh thu từ hoạt động đào tạo của trường tăng một phần do nguồn thu từ học phí tăng. Năm 2023, trường thu 1.340 tỷ đồng từ học phí, tăng 57% so với năm 2022 (850,7 tỷ đồng). Năm 2021 và 2020, nguồn thu từ học phí lần lượt là 776 tỷ đồng và 711 tỷ đồng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, nguồn thu từ học phí tăng trưởng khá nhanh do quy mô đào tạo bậc ĐH của trường mở rộng trong những năm gần đây. Hai năm học 2021-2022 và 2022-2023 trường không tăng học phí theo yêu cầu của Chính phủ, mức tăng học phí năm học 2023-2024 là rất ít, chủ yếu là các ngành có học phí thấp.
Năm 2019, trường đào tạo 31.228 sinh viên đại học chính quy với 55 ngành/chương trình học. Đến năm 2023, quy mô đào tạo bậc đại học đạt 35.328 sinh viên, tăng hơn 4.000 sinh viên và tăng 8 ngành/chương trình học. Chỉ tiêu tuyển sinh tăng từ 6.680 sinh viên năm 2019 lên 7.985 chỉ tiêu năm 2023.
Dự kiến năm học 2024-205, trường tuyển sinh 9.260 sinh viên, lượng sinh viên vượt mức 40.000 người.
“Từ 40.000 sinh viên, nếu tính trung bình học sinh từ 25 triệu đồng/năm học có thể tạo ra nguồn thu học phí nghìn tỷ. ĐH Bách khoa Hà Nội đặt ra mục tiêu tăng quy mô đào tạo phải gắn liền với duy trì chất lượng đào tạo tốt, nếu không sẽ mất thương hiệu và hệ lụy là giảm sức thu hút, giảm quy mô đào tạo trong tương lai. Đây là bài toán mà các trường ĐH đang đau đầu tìm lời giải, gắn với nhu cầu về đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, nâng diện tích sử dụng, hiện đại hóa môi trường học tập, đội ngũ giáo viên và quản trị chất lượng”, PGS.TS. Nguyễn Phong Điền cho biết.
Hiện học phí của ĐH Bách khoa Hà Nội trong năm học 2024-2025 với chương trình chuẩn rơi vào khoảng 24-30 triệu đồng/năm học; chương trình chất lượng cao, song bằng tiếng Anh từ 33-67 triệu đồng/năm học và mức học phí ở các chương trình hợp tác quốc tế và liên kết đào tạo quốc tế từ 72-87 triệu đồng/năm học. Mức học phí có thể được điều chỉnh cho các năm học sau, nhưng không tăng quá 10% mỗi năm.
Cơ cấu doanh thu vẫn lệ thuộc vào học phí
Cơ cấu doanh thu năm 2023 của ĐH Bách khoa Hà Nội so với 2022 có sự thay đổi. Song điểm chung là nguồn thu từ học phí vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn là con số không đáng kể.
Theo đó, tỷ lệ nguồn thu từ học phí tăng 4,9%, đạt 86,7%. Nếu như năm 2022, tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đạt 6,8%. Đến năm 2023, con số này giảm 5,6%, chỉ còn 1,2%. Đây là tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường đạt mức thấp nhất kể từ năm 2020 đến nay.
Tỷ lệ nguồn thu hợp pháp khác của trường năm 2023 có sự tăng nhẹ so với 2022, đạt 12,1%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp so với năm 2021, 2020.
Nhìn chung, cũng như các trường đại học đạt doanh thu nghìn tỷ khác, doanh thu của ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn còn phụ thuộc vào học phí là chính, chiếm hơn 80%.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, để phát triển bền vững, một trường đại học cần giảm tỷ lệ nguồn thu (chủ yếu) từ học phí bằng cách gia tăng các nguồn thu khác (chuyển giao tri thức, công nghệ; dịch vụ hỗ trợ người học; tài trợ từ doanh nghiệp; kinh doanh và sản xuất theo mô hình doanh nghiệp) và đặc biệt là Ngân sách nhà nước cho đào tạo. Mục tiêu là cơ cấu thu học phí không cao hơn 60% doanh thu. Ngoài ra, đại học cần năng động và khai thác quan hệ doanh nghiệp để tìm kiếm các nguồn học bổng cho sinh viên, hỗ trợ các em khó khăn về tài chính để yên tâm học tập.