Công nghệ

Zalo thu phí quá đắt: Người dùng than thở "bỏ đi cũng dở, ở lại không xong"

Tóm tắt:
  • Zalo thu phí ~200.000đ/tháng, cắt giảm tính năng miễn phí, gây bức xúc khi người dùng khó rời đi do mất dữ liệu và mối quan hệ.
  • Ứng dụng bị chỉ trích vì giới hạn kết bạn, thiếu minh bạch trong chính sách, dù có 77,7 triệu người dùng hàng tháng.
  • Mức phí cao hơn cả thuê bao di động, nhưng gói Pro không mang lại giá trị khác biệt, khiến người dùng nghi ngờ động cơ "tận thu".
  • Zalo bị đánh giá là hệ sinh thái đóng, kém linh hoạt so với Telegram, WhatsApp, dẫn đến nguy cơ mất thị phần, đặc biệt với giới trẻ.
  • Chuyên gia cảnh báo Zalo cần minh bạch, cải thiện dịch vụ nếu không muốn người dùng quay lưng dù đang nắm lợi thế thị phần.

Zalo – ứng dụng nhắn tin thuần Việt từng được xem là biểu tượng công nghệ quốc dân – đang đối mặt với một làn sóng phản ứng dữ dội từ người dùng sau khi chuyển sang mô hình thu phí. Từ niềm tự hào, Zalo đang đứng trước nguy cơ trở thành “nỗi thất vọng” khi ngày càng siết chặt quyền lợi người dùng miễn phí, nhưng lại không tạo được giá trị khác biệt tương xứng ở gói trả tiền.

Bị giới hạn – không minh bạch

Với hơn 77,7 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng và 2 tỷ tin nhắn/ngày, Zalo không chỉ là ứng dụng nhắn tin – Đó là hạ tầng giao tiếp xã hội, công việc, và cả thương mại của người Việt. Nhưng kể từ năm 2022, Zalo bất ngờ thay đổi cuộc chơi: tính phí gần 200.000 đồng/tháng với gói Pro, đồng thời cắt giảm mạnh tính năng của người dùng miễn phí.

Giới hạn kết bạn, chặn phản hồi tin nhắn từ người lạ nếu vượt quá 40 lượt/tháng, không cho hiển thị trong tìm kiếm… là những biện pháp khiến người dùng bị “bóp nghẹt” trải nghiệm. Không ít người mô tả chính sách mới như một cái bẫy: Zalo miễn phí lúc đầu để lôi kéo người dùng, đến khi người dùng đã “ở lại” với hàng nghìn mối liên hệ, thì quay ra thu phí. Người dùng bức xúc than rằng "bỏ đi cũng dở, ở lại không xong".

“Đây là một kiểu ‘bắt chẹt’ người dùng rất khó chịu. Bỏ thì tiếc vì bao nhiêu dữ liệu, mối quan hệ nằm trong đó; ở lại thì bị cắt tính năng, bắt trả phí,” – một người dùng bình luận.

Đến nay chỉ có gói Pro được áp dụng, với mức gần 200.000 đồng/tháng, gây áp lực lên người dùng phổ thông. (Ảnh: Khánh Huyền)

Đến nay chỉ có gói Pro được áp dụng, với mức gần 200.000 đồng/tháng, gây áp lực lên người dùng phổ thông. (Ảnh: Khánh Huyền)

Mức phí gần 200.000 đồng/tháng – cao hơn cả phí thuê bao di động bị cho là phi lý, đặc biệt với người dùng cá nhân, không kinh doanh. Tính đơn giản, nếu toàn bộ người dùng phải trả mức phí này, Zalo có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Câu hỏi đặt ra: Zalo đang đổi mới để nâng tầm sản phẩm, hay chỉ đơn thuần tận thu?

Câu chuyện không dừng ở mức phí. Hàng loạt phản ánh cho thấy, Zalo giới hạn kết bạn ở mức 3.000 người, nhưng không minh bạch trong cách tính. Nhiều người xóa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn liên hệ, nhưng vẫn không thể thêm bạn mới. Không có thông báo rõ ràng, không có công cụ theo dõi, không biết bao giờ được “thêm lại”.

“Tôi đã xóa 500 người, vẫn không thêm được ai. Zalo không cảnh báo gì cả, giới hạn ở đâu thì giữ kín. Thật bất công!” – chị Ngô Phương Hà (Hà Nội) bức xúc.

Đó không chỉ là trải nghiệm tệ, mà là một kiểu mập mờ đáng ngại, đi ngược lại nguyên tắc minh bạch trong dịch vụ số.

Dù đã liên hệ để làm rõ các phản ánh từ người dùng, đến thời điểm hiện tại, phóng viên Báo điện tử VTC News vẫn chưa nhận được phản hồi từ đại diện Zalo.

Một mình một ngả

Theo ông Tuấn Hà – Chủ tịch Vinalink, Zalo đang “một mình một ngả” khi không mở API kết nối với Facebook, Google hay các nền tảng quốc tế. Trong khi Telegram, WhatsApp ngày càng phát triển với nhiều tiện ích, Zalo vẫn loay hoay trong hệ sinh thái đóng kín.

Chuyên gia cho rằng giới trẻ – nhóm người dùng tiềm năng nhất đang dần rời bỏ Zalo. (Ảnh: Khánh Huyền)

Chuyên gia cho rằng giới trẻ – nhóm người dùng tiềm năng nhất đang dần rời bỏ Zalo. (Ảnh: Khánh Huyền)

“Zalo giống một ốc đảo – khó tích hợp, kém linh hoạt. Nếu gói thu phí không có tính năng vượt trội, người dùng sẽ rời đi,” ông Tuấn Hà nhận định.

Ông Hà cũng cảnh báo: giới trẻ – nhóm người dùng tiềm năng nhất đang dần rời bỏ Zalo để chuyển sang các nền tảng như Telegram, Discord.

Về mặt kinh tế, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp có quyền thu phí, nhưng phải hợp lý, minh bạch, và nâng cao giá trị tương xứng. Nếu không, người dùng sẽ quay lưng".

Ông Thỏa cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giám sát các mức phí để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý trong quá trình thu phí: "Nếu mức phí quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người tiêu dùng, Zalo sẽ phải đối mặt với việc mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh."

Nhiều người dùng phàn nàn về việc sử dụng Zalo. (Ảnh: Khánh Huyền)

Nhiều người dùng phàn nàn về việc sử dụng Zalo. (Ảnh: Khánh Huyền)

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết: “Zalo không sai khi thu phí. Nhưng nếu thu mà không cải thiện dịch vụ, không giải thích rõ ràng, thì rủi ro mất thị phần là rất lớn.”

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương khẳng định: “Zalo đang thu hai lần – vừa là tiền phí, vừa là dữ liệu người dùng. Vậy thì ít nhất phải minh bạch: người dùng đang trả cho cái gì?”

Con dao hai lưỡi?

Từng là niềm tự hào của công nghệ Việt, Zalo có lợi thế về thị phần, người dùng trung thành và sự quen thuộc, nhưng ứng dụng này đang tự đặt mình vào thế khó.

Nếu tiếp tục thu phí không minh bạch, cắt giảm tính năng cơ bản, và phớt lờ phản ánh người dùng, Zalo có thể sẽ tự đánh mất vị thế của chính mình.

Zalo hiện đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng trong chiến lược phát triển. Với quyết định thu phí, Zalo có thể sẽ phải thay đổi cách thức hoạt động của mình để thích ứng với thị trường cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách có thể là con dao hai lưỡi, vừa giúp Zalo có thể duy trì hoạt động lâu dài, vừa tạo ra rủi ro khi người dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế.

Người Việt không ngại trả tiền – nhưng chỉ khi họ thấy mình được tôn trọng.

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Ông Trump đe dọa áp thuế bổ sung 50%, Elon Musk và các cố vấn nói gì?

Giữa lúc chính sách thuế mới của Mỹ chuẩn bị có hiệu lực, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc bằng lời đe dọa áp thuế bổ sung nếu Bắc Kinh không nhượng bộ. Trong khi đó, ông Trump cũng mở cửa đàm phán với các quốc gia khác, báo hiệu sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách thương mại toàn cầu.