Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 1 có sự ảnh hưởng rõ rệt từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hoạt động xuất nhập khẩu nối tiếp đà suy yếu từ tháng 9/2022 phần lớn do nhu cầu yếu tại các nước đối tác và một phần do kỳ nghỉ Tết. Nguồn vốn FDI vẫn chậm như đã ước tính, tuy nhiên dòng vốn FDI cấp mới tăng mạnh so với cùng kỳ cho thấy tín hiệu tích cực đối với các dự án FDI mới khi Việt Nam đã hồi phục kinh tế rất tốt từ khi mở cửa sau COVID-19 từ tháng 3/2022.
Hoạt động sản xuất công nghiệp nghiệp suy giảm do kỳ nghỉ tết kéo dài và nhu cầu thị trường nước ngoài vẫn yếu. Dù vậy, áp lực chi phí lên hàng hóa cơ bản đang giảm dần và niềm tin kinh doanh đã tăng trở lại nhờ việc Trung Quốc mở cửa lại và lạm phát hạ nhiệt tại các nước phát triển. Ngược lại với lạm phát hạ nhiệt tại các nước lớn, CPI tháng 1/2023 tại Việt Nam tăng mạnh do nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng cao. Yuanta cho rằng lạm phát tại Việt Nam có độ trễ so với các nước phát triển và sẽ tạo đỉnh trong quý 1 sau đó sớm hạ nhiệt.
Điểm tích cực nhất trong tháng 1 thể hiện ở nhu cầu hàng hóa trong nước tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực Bán lẻ hàng hóa và Dịch vụ lưu trú-ăn uống. Báo cáo vẫn duy trì quan điểm tích cực về đà tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch Trung Quốc khi lượng khách từ Trung Quốc luôn chiếm trên 30% khách quốc tế tới Việt Nam.
Các yếu tố về tỷ giá và lãi suất trong tháng 1 tương đối ổn định và có phần hạ nhiệt. Dù một số NHTM đã giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng kỳ hạn khá ngắn và Yuanta cho rằng áp lực lãi suất vẫn chưa thể hạ nhiệt. Ngoài ra, hoạt động đầu tư công trong tháng đầu năm đã được đẩy mạnh và kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho nền kinh tế trong năm 2023 khi các động lực từ đầu tư FDI và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn khó khăn.
Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.111,18 điểm, tăng 10,3% so với tháng trước đó, đây cũng là tháng tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu 2021. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch giảm dưới mức trung bình 20 tháng cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.
Điểm tích cực là nhiều cổ phiếu có dấu hiệu hồi phục từ vùng quá bán, do đó Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index vẫn đang trong nhịp hồi của xu hướng giảm dài hạn. Đồng thời, nếu chỉ số VN-Index tiếp tục hồi phục trong tháng kế tiếp thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm dần, mức kháng cự dài hạn là 1.224 điểm.
Độ rộng thị trường trong xu hướng dài hạn vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với xu hướng hiện tại. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư chưa nên mua vào thời điểm này và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp dưới 30% danh mục dài hạn.