Tài chính

Xung đột Ukraine đẩy châu Âu vào cuộc đua sống còn, dựng gấp "rào chắn" trước thay đổi chiến lược của Mỹ

Cuộc chạy đua "sống còn" của châu Âu

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nói lên một thực tế của chiến tranh hiện đại: Giờ đây năng lực sản xuất công nghiệp có thể định hình sức mạnh răn đe không kém ý chí chính trị, giáo sư Đại học Arizona (Mỹ) Candace Rondeaux nhận định trên Financial Times trong bài phân tích mới đây.

Theo Rondeaux, việc châu Âu tập trung vào năng lực công nghiệp có ý nghĩa sống còn nhưng những điều chỉnh phải được thực hiện nhanh nhất có thể mới tạo nên sự khác biệt.

Trong khi Washington mở một khe cửa hẹp, tạo điều kiện cho Ukraine sử dụng khả năng tấn công chính xác của Mỹ trước khi chuyển giao chính quyền vào tháng 1, các cường quốc châu Âu đang phải chạy đua để tái xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình cho một tương lai bất định hơn. 

Thỏa thuận Trinity House của Anh - Đức vừa được ký kết hồi tháng trước đã làm nổi bật xu hướng này. Cam kết "phát triển nhanh chóng các loại vũ khí tấn công sâu hoàn toàn mới" của thỏa thuận mang nhiều ý nghĩa hơn là hợp tác quân sự. 

Đó là sự thừa nhận rằng các mô hình sản xuất thời bình không thể đáp ứng nhu cầu trong tình huống xung đột cường độ cao kéo dài. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói về "những gì thời đại này đòi hỏi", ông đang nhấn mạnh tới một yêu cầu công nghiệp mới, có thể định hình lại ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.

Xung đột Ukraine đẩy châu Âu vào cuộc đua sống còn, dựng gấp "rào chắn" trước thay đổi chiến lược của Mỹ- Ảnh 1.

Anh và Đức ký Thỏa thuận Trinity House để tăng cường an ninh châu Âu. Ảnh: Đại sứ Đức tại Anh Miguel Berger / X

Thời điểm rất quan trọng. 

Với mức giá khoảng 1.3 triệu USD, mỗi quả tên lửa ATACMS bắn vào mục tiêu quân sự tại Kursk hoặc các điểm hậu cần của Nga là một tổn thất đắt đỏ về năng lực không thể thay thế cho đến khi dây chuyền sản xuất thích nghi. Khi Mỹ chuyển từ ATACMS sang hệ thống tên lửa tấn công chính xác, các nhà sản xuất phải duy trì các hệ thống cũ trong khi tăng cường năng lực cho thế hệ tiếp theo.

Những ràng buộc như vậy khiến các bên phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa khả năng tác động tức thì trên chiến trường với yêu cầu răn đe lâu dài. Sự lưỡng lự của Tổng thống Biden trước năng lực tấn công của Ukraine đã phản ánh thực tế này. 

Hàng rào bảo vệ trước thay đổi của đồng minh 

Các quan chức Lầu Năm Góc tập trung vào vấn đề: Một thập kỷ tiết kiệm chi tiêu quốc phòng của NATO đã tạo ra những điểm yếu như thế nào trước áp lực từ Điện Kremlin.

Sự hoài nghi của Washington về khả năng tự chủ chiến lược của châu Âu là có cơ sở, khi xét tới những ưu tiên quốc phòng đầy chia rẽ của Liên mịn châu Âu (EU) trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của phe cực hữu. 

Tuy nhiên, việc Brussels triển khai chiến lược công nghiệp quốc phòng thống nhất chưa từng có cho thấy một mong muốn thay đổi đang trỗi dậy. 

Châu Âu bắt đầu nhận ra rằng năng lực sản xuất công nghiệp quốc phòng đã trở nên quan trọng không kém sức mạnh quân sự đối với đòn bẩy ngoại giao. Hiệp ước Trinity House mở đường cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất nòng pháo mới tại Anh, tạo ra 400 việc làm và hứa hẹn đem lại gần 500 triệu bảng lợi ích kinh tế. Đáng chú ý hơn, nó có thể giảm sự phụ thuộc của Anh và Đức đối với các hệ thống tấn công chính xác của Mỹ.

Động thái tái cơ cấu công nghiệp này diễn ra khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong gần hai năm. Thời điểm của cuộc điện đàm — chỉ vài tuần sau khi hiệp định quốc phòng với Anh được ký kết — cho thấy cách mà năng lực công nghiệp làm nền tảng cho sự gắn kết ngoại giao. 

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang dần thiết lập sự hỗ trợ cho Ukraine theo hướng duy trì khả năng sản xuất bền vững hơn là viện trợ quân sự ngay lập tức.

Trái ngược với Washington, nơi đang chạy đua trước thời điểm chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về chính sách dưới thời ông Donald Trump, các cường quốc châu Âu đang xây dựng năng lực công nghiệp có khả năng tồn tại qua các thời kỳ chuyển giao chính trị. 

Sự đồng thuận giữa Pháp - Anh - Đức về năng lực tấn công chính xác là một hàng rào bảo vệ trước những thay đổi tiềm năng trong ưu tiên chiến lược của Mỹ. Đối với các nhà sản xuất quốc phòng, điều này tạo ra cơ hội và tính cấp bách. 

Hiệu quả của tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp trước các mục tiêu đáng chú ý ở Crimea đã cho thấy giá trị của năng lực tấn công chính xác. Tuy nhiên, tốc độ sản xuất hiện tại không thể vừa đáp ứng các hoạt động cường độ cao, vừa duy trì kho dự trữ có tác dụng răn đe. Các công ty quốc phòng châu Âu phải tăng cường năng lực sản xuất với tốc độ chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Xung đột Ukraine đẩy châu Âu vào cuộc đua sống còn, dựng gấp "rào chắn" trước thay đổi chiến lược của Mỹ- Ảnh 2.

Tên lửa Storm Shadow đã được Anh cho phép Ukraine sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Reuters

Dấu hiệu biến đổi sâu rộng 

Quá trình chuyển đổi công nghiệp không chỉ dừng lại ở tên lửa. Hiệp ước Trinity House — với việc chú trọng thêm vào hệ thống không người lái, phòng thủ dưới nước và khả năng tích hợp không quân — là dấu hiệu của một sự biến đổi sâu rộng hơn trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng châu Âu. 

Lời cam kết của CEO Rheinmetall Armin Papperger nhằm tăng cường vị thế dẫn đầu trong công nghệ quốc phòng của Anh với phương pháp sản xuất của Đức phản ánh hướng tiếp cận mới này.

Sáu tháng tiếp theo sẽ là giai đoạn khảo nghiệm để xem liệu quá trình chuyển động công nghiệp này có gây ra tác động đáng chú ý nào tới chiến trường Ukraine hay không. Khi tính toán phản ứng trước khả năng tấn công tăng cường của phương Tây, Nga sẽ phải đánh cược với năng lực công nghiệp hơn là năng lực quân sự. 

Đối với các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, thông điệp là: An ninh châu Âu sẽ phụ thuộc vào chính sách công nghiệp, cũng như chiến lược quân sự. Cùng với các cuộc tấn công bằng Storm Shadow ở Ukraine, những đổi mới trong hợp tác công nghiệp quốc phòng cho thấy các cường quốc châu Âu thấu hiểu điều này. 

Câu hỏi đặt ra là liệu cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ có thể thích nghi đủ nhanh để tạo ra được tác động hay không.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm