Thời sự

Giả chữ ký Bộ trưởng để lừa đảo đi xuất khẩu lao động

Cục An toàn thông tin cho biết, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa đưa ra khuyến cáo các hành vi mạo danh, lừa đảo , môi giới bất hợp pháp liên quan đến các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Giả chữ ký Bộ trưởng để lừa đảo đi xuất khẩu lao động- Ảnh 1.

Fanpage mạo danh Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh chụp màn hình.

Theo đó, một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để mạo danh Bộ LĐ-TB&XH và Trung tâm Lao động ngoài nước nhằm lừa đảo những người muốn đi nước ngoài làm việc.

Cụ thể, các đối tượng lập Fanpage có tên "Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH", "Tư vấn XKLĐ - Asian"… mạo danh là trang thông tin của Bộ LĐ-TB&XH, Trung tâm Lao động ngoài nước.

Thậm chí các đối tượng còn giả mạo chữ ký của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đăng tải nội dung kèm theo hình ảnh lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác nước ngoài, nhằm tạo dựng lòng tin để dụ dỗ người lao động tham gia các chương trình làm việc tại Úc, chương trình EPS (Hàn Quốc)… thông qua các fanpage và website giả mạo.

Giả chữ ký Bộ trưởng để lừa đảo đi xuất khẩu lao động- Ảnh 2.

Một văn bản giả mạo chữ ký của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đặc biệt là người đang có nhu cầu xuất khẩu lao động cần cẩn trọng trước các tổ chức chào mời “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội.

Chủ động tìm hiểu trước thông tin về đơn vị đang thực hiện quảng cáo và đối chiếu với danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thống của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH (http://www.dolab.gov.vn) hoặc Sở LĐ-TB&XH.

Người lao động thực hiện rà soát kỹ nội dung trên hợp đồng dịch vụ giữa các bên trước khi ký kết, phải có đầy đủ thông tin về quyền và trách nhiệm của các bên, nội dung công việc, chi phí; không cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho các đối tượng, tổ chức lạ dưới mọi hình thức.

Trong trường hợp không rõ thông tin, người lao động chủ động liên hệ với Sở LĐ-TB&XH hoặc Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện nơi cư trú để trao đổi và được cung cấp thông tin đầy đủ. Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, người lao động cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm