Doanh nghiệp

Xuất khẩu đi châu Âu vẫn tắc vì thủ tục

Rau quả thay vì đi châu Âu phải… tiêu hủy

Ngày 23.7, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện doanh nghiệp (DN) P. cho biết: "Đến hôm nay, khi chúng tôi liên hệ với Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM để làm thủ tục xuất hàng đi châu Âu - cụ thể là giấy chứng nhận ATTP thì không được tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu tiếp tục chờ vì Sở cũng phải chờ hướng dẫn từ cấp trên. Trong thời gian chờ đợi từ ngày 1.7 đến nay, hàng chục tấn hàng rau quả tươi của công ty đã hư hỏng, phải tiêu hủy. Chúng tôi cũng không biết khi nào việc này mới được tháo gỡ. Lo lắng nhất hiện nay không chỉ là thiệt hại về vật chất trước mắt mà là mất khách hàng vào tay các đối thủ khác. Tại thị trường Tây Ban Nha, một trong những khách hàng quan trọng của chúng tôi đã ngưng thương lượng và chuyển sang nhập hàng từ các nguồn cung khác".

Xuất khẩu đi châu Âu vẫn tắc vì thủ tục- Ảnh 1.

Rau quả VN "tắc đường" đi châu Âu và đang mất thị trường sau gần 1 tháng chờ đợi

ANH: Công Hân

Ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng), cũng bức xúc: "Các DN địa phương hợp tác với DN ở TP.HCM để xuất hàng đi châu Âu nhưng gần một tháng qua bị vướng thủ tục không xuất được. Thời gian chờ đợi kéo dài khiến sản phẩm bị hư hỏng phải tiêu hủy, số lượng rất lớn. Trước mắt, với sản phẩm đã chuẩn bị và mới thu hoạch, chúng tôi phải tìm kiếm khách hàng mới để xuất đi Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, mùa này Trung Quốc cũng có hàng nên nhu cầu tiêu thụ không cao. Vì vậy giá thanh long đạt chuẩn xuất khẩu vào châu Âu trước đây thấp nhất 15.000 - 20.000 đồng thì nay giảm mạnh chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg; thậm chí có nhiều nhà vườn, DN chấp nhận bỏ luôn không thu hoạch hoặc mang làm từ thiện".

"Chủ trương phân cấp phân quyền cho địa phương nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN nhưng không ngờ phát sinh vướng mắc như thế này. Kính mong các cấp có thẩm quyền quan tâm nhanh chóng tháo gỡ cho DN chúng tôi và bà con nông dân", ông Cảnh nói.

Không chỉ rau quả tươi, ngày 17.7, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPSA) có công văn gửi Bộ NN-MT phản ánh tình trạng tương tự. Đại diện VPSA cho biết lượng hàng tồn đang chờ giấy phép xuất khẩu ước tính sơ bộ khoảng 250 tấn và hy vọng các thủ tục liên quan sẽ sớm được giải quyết để tạo thuận lợi cho cộng đồng DN nói chung. Điều may mắn với ngành hàng hồ tiêu và gia vị là hàng hóa có thời gian bảo quản lâu nên đến thời điểm này chưa xảy ra tình trạng hư hỏng. Bên cạnh đó, nguồn cung tiêu trên thế giới thấp hơn so với nhu cầu nên chuyển hướng thị trường tương đối dễ.

Sở chờ hướng dẫn, DN vẫn phải đợi

Trước đây, việc cấp giấy chứng nhận ATTP do Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) đảm nhận. Tuy nhiên, thực hiện Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT về phân cấp thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT-BVTV (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025), thẩm quyền kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực vật xuất khẩu được chuyển về cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tại TP.HCM được giao cho Sở ATTP. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao đang có những vướng mắc dẫn đến tình trạng nói trên. Từ đầu tháng 7, các DN đã gửi văn bản cầu cứu các cơ quan ban ngành có liên quan.

Trong văn bản trả lời DN C.D ở TP.HCM cũng như Sở ATTP TP.HCM ngày 11.7, Cục TT-BVTV cho biết: Theo quy định của EU, các lô hàng rau quả tươi xuất khẩu sang thị trường này phải được cơ quan thẩm quyền tại VN kiểm tra và chứng nhận theo yêu cầu của EU. Giấy chứng nhận bao gồm cả kết quả phân tích các chỉ tiêu lô hàng đảm bảo theo tiêu chuẩn EU và báo cáo lấy mẫu theo quy trình lấy mẫu của EU. Vì thế, Cục TT-BVTV đề nghị Sở ATTP TP.HCM thực hiện thủ tục hành chính kiểm tra ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu theo trình tự quy định tại điều 24 Thông tư số 12 và giấy chứng nhận theo yêu cầu của EU căn cứ quy định tại khoản 1 điều 42 luật ATTP. Cục sẵn sàng phối hợp với Sở thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nhà nước, hỗ trợ hoàn thành thủ tục xuất khẩu hàng hóa đáp ứng theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu thông qua hình thức trực tuyến.

Liên quan tới vấn đề này, trả lời Báo Thanh Niên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, cho biết: Công văn hướng dẫn của Cục TT-BVTV ký ngày 11.7 nhưng thực tế đến ngày 14.7 Sở mới nhận được và đang triển khai thực hiện theo quy định. "Thời gian gấp quá và Sở cũng đang có nhiều việc nhưng theo chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ cố gắng để DN không bị thiệt hại", bà Lan nói.

Cũng trong ngày 14.7, Sở ATTP TP.HCM có công văn khẩn gửi Bộ NN-MT tiếp tục đề nghị hướng dẫn việc thực hiện quy định cấp giấy chứng nhận ATTP. Công văn do Phó giám đốc Lê Minh Hải ký đề nghị "hướng dẫn quy định pháp lý nào để căn cứ xác định cách ghi đối với nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ", "hướng dẫn đối với ngôn ngữ thể hiện tại giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu và thông báo kết quả kiểm tra". Theo Sở ATTP TP.HCM, hiện Bộ NN-MT không quy định, hướng dẫn thành phần hồ sơ. Ngoài ra không quy định cấp thông báo kết quả kiểm tra; bên cạnh đó cũng không quy định, hướng dẫn cấp giấy chứng nhận khác theo mẫu yêu cầu của nước nhập khẩu nên Sở không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Từ đó, Sở ATTP kiến nghị Bộ NN-MT sớm ban hành quy định hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận khác theo mẫu yêu cầu của nước nhập khẩu để cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ có căn cứ pháp lý thực hiện. 

Bảo vệ uy tín, thương hiệu DN và nông sản Việt

Trước thực tế trên, VPSA kiến nghị Bộ NN-MT xem xét và đưa ra giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ DN giải quyết các vướng mắc để DN có thể thông quan hàng hóa; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong Thông tư 12/2025/TT-BNNMT để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu. Kiến nghị Bộ NN-MT tổ chức các khóa đào tạo và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan cấp tỉnh và DN để đảm bảo quy trình cấp giấy chứng nhận nhanh chóng và chính xác. Việc này sẽ giúp DN tránh được rủi ro về hợp đồng, bảo vệ uy tín và giảm thiểu chi phí, thời gian cho các hoạt động xuất khẩu.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm

Sáng nay (27/7), giá vàng SJC “neo” ở mốc 121,1 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng từ đầu tuần đến nay.

Giá vàng bất ngờ giảm mạnh

Sáng nay (25/7), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng SJC về dưới mốc 122 triệu đồng/lượng, giảm tới 1 triệu đồng/lượng so với sáng qua.

Biển Đông có thể đón 7 cơn bão trong 3 tháng tới

Trong 3 tháng tới, trên Biển Đông có thể ghi nhận thêm khoảng 7 cơn bão. Trong số này có khả năng 3 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, gây ra các đợt mưa lớn diện rộng trên đất liền.

Hai chị em "bắt tay" lừa tiền của hơn 500 khách du lịch

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Quách Thị Thu (SN 1998) và em gái ruột Quách Thị Thu Hằng (SN 2001) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Chủ tài khoản Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB cần biết: Tính năng cảnh báo lừa đảo mới trên app ngân hàng

Trước thực trạng lừa đảo qua tài khoản ngân hàng ngày càng tinh vi và phổ biến, loạt ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và MB đã đồng loạt triển khai tính năng cảnh báo tài khoản nghi ngờ lừa đảo ngay trên ứng dụng ngân hàng, giúp người dùng nhận diện rủi ro và chủ động phòng ngừa từ bước chuyển tiền.

Bình Gold là ai?

Bình Gold hiện đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội trong đêm ngày 23/7.

Hòa Thắng, "trái tim" của Khu du lịch quốc gia Mũi Né

Xã Hòa Thắng của tỉnh Lâm Đồng, nơi có khu du lịch Bàu Trắng, được xem như 'trái tim' của Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đang đứng trước nhiều cơ hội 'cất cánh', nhưng cũng còn lắm thách thức.

TP.HCM làm gì để "rồng biển" Long Hải thức giấc?

Với lợi thế tự nhiên, vị trí chiến lược, sự đầu tư bài bản về hạ tầng và chính sách phát triển bền vững, xã Long Hải đang trở thành đô thị du lịch biển hiện đại, văn minh và giàu bản sắc của TP.HCM.