Doanh nghiệp

Xuất khẩu dệt may năm nay ước đạt 44 tỷ USD

Thông tin được Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang nêu tại buổi họp báo ngày 19/11. Kim ngạch nhập khẩu năm nay ước đạt 25 tỷ USD, tăng gần 14,8%. Như vậy, dệt may Việt Nam dự kiến xuất siêu 19 tỷ USD, tăng xấp xỉ 7% so với 2023.

Mỹ vẫn là nơi mua nhất nhiều hàng may mặc của Việt Nam, ước đạt hơn 16,7 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm ngoái. Thị trường này chiếm gần 38% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tiếp đến là Nhật Bản với 4,57 tỷ USD, EU 4,3 tỷ USD, Hàn Quốc 3,93 tỷ USD, Trung Quốc 3,65 tỷ USD và Đông Nam Á là 2,9 tỷ USD.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3, Đà Năng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3, Đà Nẵng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo Vitas, kết quả đạt được năm nay nhờ ngành dệt may hưởng lợi khi 17 hiệp định tự do thương mại (FTA) có hiệu lực. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, thương mại phục hồi chậm, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt xu hướng chuyển dịch đơn hàng, có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm - thị trường và từng bước nâng cao năng lực quản trị. Các doanh nghiệp may mặc trong nước cũng dần đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.

Ông Vũ Đức Giang dự báo tình hình sản xuất dệt may năm sau tương đối thuận lợi. Do đó, ngành đặt kế hoạch xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD vào 2025. Theo Vitas, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I, đang đàm phán đơn hàng quý II.

Tuy nhiên, theo ông Giang, đơn giá vẫn không tăng và doanh nghiệp còn ít đơn hàng lớn mà chủ yếu là nhỏ, thời gian giao nhanh và yêu cầu khắt khe.

Ngoài ra, các FTA thế hệ mới đòi hỏi khắt khe hơn về xuất xứ sợi, vải dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Bởi lẽ, Việt Nam còn đang phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều loại xơ sợi và vải, đặc biệt từ Trung Quốc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm