Ngày 13.5, ông Đàm Hải Vân, Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, sứa lửa đang xuất hiện tại nhiều khu vực bãi tắm biển Nha Trang, gây lo ngại cho người dân địa phương và khách du lịch. Trước tình hình này, BQL vịnh Nha Trang đã phát đi cảnh báo và khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh cũng như hướng dẫn sơ cứu kịp thời.
Theo khuyến cáo từ BQL vịnh Nha Trang, khi không may bị sứa đốt, người bị nạn cần được đưa ngay ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa. Tiếp theo, cần nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch và hạn chế chạm tay vào vết đốt để tránh gây nhiễm trùng lan rộng. Rửa vết đốt bằng giấm hoặc nước biển để làm sạch các chất độc là bước quan trọng tiếp theo.

Hướng dẫn sơ cứu khi bị sứa đốt của BQL vịnh Nha Trang
ẢNH: BQL VỊNH NHA TRANG
Đặc biệt lưu ý, không nên sử dụng nước ngọt để rửa vết thương do có thể làm tăng hoạt tính độc của sứa. Thay vào đó, có thể dùng amoniac, cồn hoặc soda cũng phát huy tác dụng tốt. Chườm mát các vị trí tổn thương sẽ giúp giảm đau và sưng tấy.
Người bị đốt có thể uống thêm thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin và bôi kem có chứa corticoid để giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, cần theo dõi sát sao và đưa đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các biểu hiện nặng.

Nắng nóng kéo dài, nhiều người dân Nha Trang và du khách đổ ra biển tắm rất đông những ngày qua
ẢNH: BÁ DUY
Để phòng tránh nguy cơ bị sứa đốt, người dân và du khách nên tắm biển tại các khu vực có nhân viên cứu hộ giám sát, quan sát kỹ mặt nước trước khi xuống tắm, tuân thủ các biển cảnh báo và hướng dẫn của nhân viên cứu hộ. Mang theo giấm hoặc dung dịch chứa axit acetic khi đi tắm biển cũng là biện pháp phòng ngừa hữu ích.
BQL vịnh Nha Trang cho biết hàng năm vào mùa hè khoảng từ tháng 5 đến tháng 7 khu vực biển Nha Trang thường xuất hiện sứa lửa. BQL vịnh khuyến cáo người dân và du khách khi bị sứa đốt cần khẩn trương liên hệ nhân viên cứu hộ hoặc trạm cứu hộ gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Các trạm cứu hộ dọc bãi biển Nha Trang đã được trang bị đầy đủ dụng cụ và thuốc sơ cứu chuyên dụng để xử lý các trường hợp bị sứa đốt, sẵn sàng hỗ trợ người bị nạn 24/7.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết sứa không có đốt người nhưng trên đầu con sứa có các xúc tu chứa độc tố nên chẳng may đụng vào thì con người sẽ bị nhiễm độc.
Theo bác sĩ Huy, nếu bị nhẹ thì sẽ gây phản ứng như ngứa rát trên da, còn nếu bị nặng thì có thể gây sốc phản vệ và dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. "Bất cứ ai cũng có thể bị sốc phản vệ không riêng gì trẻ em mà cả người lớn cũng có thể bị, tùy theo cơ thể mỗi người phản ứng với độc tố từ sứa như thế nào" bác sĩ Huy nói.
Bác sĩ Huy khuyến cáo, khi đụng phải sứa lửa thì trước hết người bệnh cần sơ cứu bằng cách dùng nước biển hoặc dấm để rửa sạch vết thương, trường hợp bỏng rát, đau có thể dùng nước đá để chườm, sau đó đến cơ sở y tế để bác sĩ kê thuốc điều trị. "Còn những trường hợp nặng có thể sốc phản vệ với các biểu hiện như đau bụng, nôn mửa, cảm thấy choáng váng, khó thở thì cần đến bệnh viện để cấp cứu ngay lập tức", bác sĩ Huy cho biết.