“Trong số 21 ngân hàng được chúng tôi xếp hạng tại Việt Nam, VPBank là một trong hai ngân hàng duy nhất có BCA bị chặn bởi xếp hạng quốc gia,” báo cáo của Moody’s viết.
Xếp hạng BCA ở mức Ba3 hiện tại của VPBank là tương đương với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia (BCA) của Việt Nam. Theo phương pháp xếp hạng tín nhiệm của Moody’s đối với các định chế tài chính, BCA của một doanh nghiệp không được cao hơn BCA của quốc gia mà doanh nghiệp đó đang hoạt động.
Xếp hạng BCA phản ánh sức mạnh nội tại độc lập của tổ chức phát hành. Mức xếp hạng này được đánh giá dựa trên môi trường vĩ mô, hồ sơ tài chính và các phân tích yếu tố định tính. BCA càng cao, đồng nghĩa rằng ngân hàng càng có sức chịu đựng và khả năng hồi phục tốt khi rơi vào tình huống căng thẳng mà không cần sự hỗ trợ từ nhà nước hoặc các tổ chức bên ngoài khác.
Trong lần đánh giá này, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của VPBank ở mức Ba3, nhờ nguồn vốn dồi dào và tỷ suất sinh lời cao. Trước đó, trong kỳ đánh giá cuối năm 2021, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành và xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của VPBank được Moody’s nâng lên Ba3 từ B1. Mức tín nhiệm cơ sở BCA của ngân hàng đồng thời được thăng hạng từ B1 lên Ba3.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng chất lượng tài sản của VPBank sẽ tiếp tục ổn định trong vòng 12-18 tháng nữa nhờ sự phục hồi của các hoạt động kinh tế, điều này sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ của các khách hàng” báo cáo của Moody’s viết, đồng thời nhấn mạnh tỷ suất sinh lời cao hơn trung bình ngành cùng thanh khoản ổn định sẽ tiếp tục là lợi thế của VPBank trong thời gian tới.
Theo Moody’s chỉ tiêu an toàn vốn của ngân hàng sẽ duy trì ổn định sau khi hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 50% vốn tại công ty con Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank SMBC (FE Credit). Bên cạnh đó, kế hoạch bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài trong năm 2022 sẽ là mũi nhọn giúp ngân hàng củng cố nền tảng vốn vững mạnh trong các năm tiếp theo.
Trước các biến động của thị trường tài chính quốc tế và lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, việc Moody’s duy trì xếp hạng tín nhiệm của VPBank cho thấy niềm tin cùng sự tín nhiệm của các tổ chức quốc tế vào nền tảng vốn và kế hoạch phát triển của ngân hàng trong thời gian tới. Điều này sẽ góp phần củng cố vị thế của VPBank, đồng thời tăng cường năng lực huy động vốn của ngân hàng từ các định chế tài chính uy tín.
Ngoài ra, trong kì đánh giá này, Moody’s cũng lần đầu tiên công bố số điểm phát triển bền vững (ESG) của VPBank. Theo đó, VPBank được đánh giá ở mức 2 trên thang điểm 5, với 1 là mức cao nhất, nhờ nền tảng vững mạnh, chiến lược rõ ràng cùng hệ thống quản trị hiệu quả. Mức xếp hạng của VPBank hiện đang xếp ngang hàng với nhiều tổ chức tín dụng trong khu vực, cho thấy các yếu tố phát triển bền vững luôn được ngân hàng coi trọng trong định hướng phát triển lâu dài.
Kết thúc quý I/2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95.000 tỷ đồng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo thông tư 41 đạt trên 15%.
FE Credit mới đây cũng được Moody’s giữ nguyên bậc tín nhiệm CFR ở mức Ba3 sau khi quyết định nâng hạng vào cuối tháng 12/2021.