Nhiều dự án điện tái tạo “đắp chiếu” nhưng vẫn phải chờ cơ chế, lo ngại việc áp dụng chính sách mới sẽ thêm nhiều khó khăn - Ảnh: N.KH.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng điều này có thể gây thiệt hại lớn không chỉ đối với doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai.
Lo nhiều với việc "xem xét lại"
Có tới 4 dự án điện mặt trời và điện gió đang xây dựng cùng 2 dự án mới chỉ đi vào vận hành thương mại một phần nhưng phải "đắp chiếu" phơi sương, Công ty CP Tập đoàn T&T sốt ruột khi cơ chế giá FIT cũ không còn hiệu lực hơn một năm nay vẫn chưa có cơ chế giá mới.
Do vậy việc Bộ Công thương báo cáo gửi Thủ tướng về cơ chế với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, đề xuất cơ chế cho nhà đầu tư được đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh nghiệp này "vừa mừng" nhưng cũng "vừa lo" bởi cơ chế mới chưa rõ ràng.
"Nội dung được Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng là tín hiệu đáng mừng cho dự án đã đầu tư mà chưa có cơ chế giá đã chờ đợi từ lâu. Dù ít nhiều, dự án cũng đã được quan tâm, mở ra hướng để ghi nhận sản lượng, có doanh thu bù đắp khoản đầu tư đã bỏ ra. Việc đàm phán giá giữa nhà đầu tư với EVN cũng không phải là lần đầu tiên, nhưng cần có hướng dẫn cụ thể và quan trọng nhất là khung giá đàm phán thế nào" - đại diện T&T cho hay.
Bởi theo vị này, việc đàm phán trong khung giá trước đây cũng đã được EVN thực hiện với các dự án điện truyền thống (thủy điện, điện than, điện khí...), cơ chế giá mua bán điện do EVN đưa ra. Tuy nhiên các dự án năng lượng tái tạo có đặc thù riêng, suất đầu tư lớn, nên việc xây dựng khung giá phải phù hợp và được lấy ý kiến từ nhiều bên liên quan, trong đó có chủ đầu tư để đảm bảo sự công bằng, minh bạch về lợi ích các bên.
Tuy vậy, điều mà doanh nghiệp này lo lắng hơn cả là đề xuất của Bộ Công thương về việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và các chủ đầu tư đối với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại. Theo vị này, những dự án trước đây được đầu tư xây dựng dựa trên cơ chế giá đã được xác định (cơ chế giá FIT ưu đãi), doanh nghiệp mới quyết định đầu tư.
Vì vậy nếu "xem xét lại" và đàm phán giá giống như các dự án chưa vận hành thương mại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nhà đầu tư, đơn vị cung cấp vốn, hệ thống ngân hàng và nhà thầu.
"Việc đàm phán giá có thể khiến giá có xu hướng giảm, chắc chắn hiệu quả đầu tư sẽ giảm đi. Với ngân hàng thời gian thu hồi vốn dài ra, phương án kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi và còn tạo thêm tâm lý không hay đó là quy định đã áp dụng rồi lại xem xét lại, làm môi trường đầu tư không ổn định, không tạo nên sự thu hút lắm" - đại diện T&T lo lắng.
Đừng lãng phí nguồn lực xã hội
Ông Đặng Mạnh Cường - tổng giám đốc Công ty CP điện gió Hanbaram - cho rằng việc thiếu cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời từ thời điểm 31-10-2021 đến nay đã gây thiệt hại vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp đầu tư.
Do doanh nghiệp có 2 dự án điện gió đã hoàn thành xây dựng, hòa lưới nhưng mới chỉ đưa vào vận hành thương mại một phần công suất, đã khiến phương án tài chính của dự án bị phá vỡ, không có nguồn doanh thu để trả nợ vay đối với các tổ chức tín dụng và nguy cơ phá sản doanh nghiệp đang rất hiện hữu.
Với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, theo ông Cường, việc phải rà soát, xem xét lại có thể làm thay đổi cơ chế chính sách, từ đó tác động đến việc huy động công suất, cơ chế giá và phương án tài chính của các dự án.
"Việc rà soát, xem xét lại cũng gây nguy cơ phát sinh tranh chấp pháp lý giữa các chủ thể hợp đồng mua bán điện, gây hình ảnh xấu về môi trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đi ngược với cam kết Chính phủ trong phát triển năng lượng sạch, nên cần giữ nguyên cơ chế và đảm bảo sự ổn định", vị này cảnh báo.
Một nhà đầu tư của Hiệp hội Điện gió cũng bức xúc cho rằng việc chậm trễ đưa ra cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo trong suốt thời gian dài đã tạo nên "lỗ hổng chính sách", khiến nhiều dự án dở dang, tiêu tốn và lãng phí nguồn lực rất lớn của nhà đầu tư, bào mòn nguồn lực doanh nghiệp.
"Cơ chế đàm phán giá với EVN cũng không rõ ràng, cơ sở nào để thực hiện, EVN cũng không đủ người để thẩm tra lại các chi phí của những dự án đã đầu tư xem giá đầu vào thế nào. Việc hồi tố với dự án đã ký kết vận hành thương mại là bất công và có thể gây ra nhiều hệ lụy, có thể giết chết doanh nghiệp khi việc đầu tư là trên cơ sở cơ chế giá trước đây" - vị này cho hay.
Theo các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, việc chậm trễ ban hành chính sách đang gây nên thiệt hại rất lớn. Nhiều dự án đã xây dựng và đang xây dựng dở dang không được đưa vào vận hành thương mại, gây nên sự lãng phí lớn về nguồn lực cho nhà đầu tư và xã hội. Do đó doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm chấp thuận ban hành cơ chế giá điện làm cơ sở tiếp tục triển khai hợp đồng mua bán điện.
"Trong thời gian chờ cơ chế giá mới, cho phép huy động công suất đối với các dự án, phần dự án đã hoàn thành công tác thử nghiệm kỹ thuật theo quy định để đáp ứng nhu cầu phụ tải, ghi nhận sản lượng phát điện, giảm bớt lãng phí nguồn lực xã hội trong khi đang thiếu điện", một doanh nghiệp đề xuất.
Nhiều nhà máy điện gió, mặt trời giảm công suất phát
Các công nhân vệ sinh tấm quang năng tại dự án điện mặt trời ở Tây Ninh - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty điện gió ở phía Nam cho biết các nhà máy điện gió, điện mặt trời thường xuyên bị cắt giảm công suất phát lên lưới điện. "Trước đây do COVID-19 nên tiêu thụ điện sụt giảm, nhiều nhà máy phải giảm phát. Nhưng nay chúng tôi lại được thông báo cắt giảm công suất phát lên lưới do quá tải đường dây, nguồn thu bán điện giảm mạnh", vị này nói.
Trong văn bản vừa được gửi đến 138 chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết khi các nhà máy điện gió, điện mặt trời khu vực miền Trung, miền Nam phát công suất cao có thể gây quá tải các đường dây 220kV, 110kV và giới hạn truyền tải trên hệ thống đường dây 500kV. Do vậy, trong tháng 8-2022, nhiều khu vực dự kiến phải cắt giảm công suất, có những khu vực cắt giảm 40-45% công suất. Trong đó các nhà máy điện mặt trời được thông báo chỉ huy động từ 55-60% nếu quá tải đường dây.
Theo trung tâm, tổng công suất nguồn điện gió được công nhận vận hành thương mại là 3.980MW song không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000MW, tăng 50% so với tổng công suất lắp đặt. Năng lượng tái tạo phát lên lưới đang chiếm 14,4% trên tổng số 133 tỉ kWh điện huy động 6 tháng đầu năm. (NGỌC HIỂN)
Cần được tham gia thị trường điện
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện EVN cho rằng cơ chế giá điện chính thức áp dụng cho đối tượng chuyển tiếp chưa được ban hành. Vì vậy, EVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ cho phép các nhà máy điện đã hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng theo đúng quy định, được phép tham gia thị trường điện và được thanh toán theo giá của thị trường điện giao ngay trong giai đoạn chờ Chính phủ có cơ chế chính thức.
Cũng theo vị này, về mặt pháp lý, cơ chế này phù hợp với Luật điện lực và quy định tại cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam. Giải pháp này cũng nhằm đáp ứng ngay nhu cầu của hệ thống khi giá nhiên liệu như than nhập, than trộn và khí thiên nhiên tăng cao.