Nội dung này được công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) do Hãng kiểm toán AASC thực hiện. Theo đó, lỗ sau thuế của HBC trong năm ngoái là 1.115,3 tỷ đồng, cao hơn 333 tỷ so với báo cáo tự lập, tương đương hơn 42%.
Lỗ sau thuế của Hòa Bình biến động mạnh chủ yếu liên quan đến chi phí quản lý doanh nghiệp. HBC tự lập khoản phí này tốn 482,9 tỷ đồng, trong khi báo cáo kiểm toán đưa ra con số 757,7 tỷ đồng, tăng 57%.
Nguyên nhân do ở báo cáo tự lập, Hòa Bình hoàn nhập hơn 310 tỷ đồng từ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Đến khi kiểm toán, AASC không ghi nhận khoản hoàn nhập trên mà vẫn thống kê chi phí dự phòng 417,5 tỷ đồng.
Theo công ty kiểm toán, Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi. Tính đến thời điểm phát hành báo cáo, AASC chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không. Đơn vị này cho biết chưa thể thu thập đủ các thư xác nhận cho khoảng 4.100 tỷ đồng các khoản phải thu, chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khách hàng.
Như vậy, Hòa Bình có năm thứ hai kinh doanh thua lỗ. Mức thâm hụt lợi nhuận của năm trước đã giảm 56,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, công ty vỡ kế hoạch kinh doanh khi chỉ hoàn thành hơn 60% chỉ tiêu doanh thu và cách rất xa mục tiêu lãi 125 tỷ đồng.
Số liệu mới cập nhật cũng đẩy lỗ lũy kế của công ty tăng 12,6% lên mức 3.240 tỷ đồng. Điều này làm vốn chủ sở tính đến cuối năm 2023 còn 93,4 tỷ đồng, giảm đến 92% so với năm 2022.
Sau hai năm thua lỗ, Hòa Bình lên kế hoạch doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng cho năm nay. Nếu thành công, Hòa Bình sẽ lấy lại mức lãi tương đương năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. Tuy nhiên con số trên vẫn cách khá xa so với giai đoạn đỉnh lợi nhuận 2016-2018.
Thời gian tới, ban lãnh đạo nói công ty sẽ theo nguyên tắc: tăng thu, giảm chi. Năm nay, công ty sẽ tham gia đấu thầu trong nước 9.000-10.000 tỷ đồng với khối lượng thực hiện khoảng 40-45%. Song song đó, Hòa Bình sẽ triển khai nhiều dự án tại thị trường nước ngoài đến năm 2028 gồm Mỹ, Vanuatu, Australia, châu Phi. Trong đó, châu Phi tiềm năng nhất, có lực lượng lao động còn dồi dào và giá thành của HBC đang cạnh tranh so với nhiều nhà thầu hiện tại.
Công ty cũng đang ráo riết thu hồi các khoản nợ khó đòi. Tính đến cuối năm 2023, Hòa Bình có gần 3.265 tỷ đồng nợ xấu, tăng 20%.