Thời sự

WHO ra "phán quyết" về bệnh đậu mùa khỉ

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Tedros cho biết: "Tôi vô cùng lo ngại về sự bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ, đây rõ ràng là mối đe dọa sức khỏe rình rập mà tôi và các đồng nghiệp trong Ban Thư ký WHO đang theo dõi rất chặt chẽ".

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu được xem mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra. Tình trạng "khẩn cấp toàn cầu" hiện chỉ được áp dụng cho Covid-19 và những nỗ lực đang diễn ra nhằm xóa sổ bệnh bại liệt.

 WHO ra phán quyết về bệnh đậu mùa khỉ  - Ảnh 1.

Người dân chờ tiêm vắc-xin ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại một phòng khám ở New York - Mỹ vào ngày 23-6. Ảnh: NYTIMES

Reuters đưa tin quyết định nêu trên của WHO có thể gặp phải sự chỉ trích của một số chuyên gia y tế toàn cầu, những người mà trước đó cho rằng đợt bùng phát hiện nay của bệnh đậu mùa khỉ có đủ tiêu chí để được gọi là tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng WHO đang ở vị thế khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Hồi tháng 1-2020, khi WHO tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng nhưng chính phủ của nhiều nước đã phớt lờ tuyên bố đó. Chỉ đến 6 tuần sau, khi WHO dùng từ "đại dịch" thì các nước mới có hành động.

 WHO ra phán quyết về bệnh đậu mùa khỉ  - Ảnh 2.

Hơn 3.200 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 1 ca tử vong trong 6 tuần qua ở 48 quốc gia mà bệnh này không thường lây lan, theo WHO. Ảnh: Reuters

Theo WHO, đã có hơn 3.200 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ và 1 ca tử vong được ghi nhận trong 6 tuần qua từ 48 quốc gia nơi bệnh này không phổ biến.

Từ đầu năm đến nay, các nước khu vực Trung Phi ghi nhận gần 1.500 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có khoảng 70 ca tử vong. Bệnh đậu mùa khỉ phổ biến hơn tại Trung Phi và chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Bệnh đậu mùa khỉ, căn bệnh do virus gây ra các triệu chứng giống bệnh cúm và các tổn thương trên da, đã và đang lây lan phần lớn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới bên ngoài các quốc gia có dịch bệnh lưu hành.

Theo WHO, virus này có hai dòng, bao gồm chủng Tây Phi - được cho là có tỉ lệ tử vong khoảng 1% và chủng này lan rộng ở châu Âu và các nơi khác - và chủng Congo Basin, có tỉ lệ tử vong gần 10%.

Hiện nay đã có các loại vắc-xin và phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ nhưng nguồn cung vẫn còn hạn chế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm