Nằm giữa núi rừng hùng vỹ của vùng đất địa linh được mệnh danh là "đệ nhất linh sơn" của Việt Nam, Yên Tử Mountain thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách vịnh Hạ Long khoảng 50km, gắn liền với tên tuổi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và lịch sử của ngọn núi linh thiêng từ hàng ngàn năm trước.
Huyền thoại kể rằng, có đạo sỹ An Kỳ Sinh lên núi này tu tiên, luyện thuốc, chữa bệnh cứu người. Người dân tôn kính gọi ông là An Tử (thầy An) và gọi núi là An Tử Sơn – nguồn gốc tên của địa danh Yên Tử ngày nay.
Một dấu mốc lịch sử quan trọng cách đây hơn 700 năm, hoàng đế anh minh Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử tu hành, giác ngộ Phật. Ngài là vị hoàng đế duy nhất trên thế gian từng xuất gia và đắc quả vị Phật. Ngài sáng lập và trở thành Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền mang đậm bản sắc Việt, với mong muốn xây dựng một quốc gia hạnh phúc và hướng thiện.
Tọa lạc tại chân Non thiêng Yên Tử và kế thừa di sản của ngọn núi, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm với các thành tố Legacy Yên Tử - MGallery, Làng Nương, Trục Tâm đạo… vừa là một không gian văn hóa độc đáo mang âm hưởng thời Trần (thế kỷ 13), kết nối đạo và đời, xưa và nay, vừa tạo ra một quần thể nghỉ dưỡng đặc biệt.
Từ đó, Yên Tử là nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm được coi là thánh địa Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ 13 đến nay. Yên Tử Mountain đã trở thành Di sản văn hóa quốc gia tại tỉnh Quảng Ninh, với nhiều giá trị to lớn về Văn hoá, Lịch sử - Thiên nhiên - Tâm linh đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Du khách cũng có thể chiêm ngưỡng hình ảnh Huệ Quang Kim Tháp – hiện vật lịch sử gần như duy nhất còn lại từ thời Trần thế kỷ 13, cùng với các di sản của Thiền phái Trúc Lâm được tái hiện tại Legacy Yên Tử - MGallery. Nơi đây mang phong cách hoàng gia thời Trần và Làng Nương có dáng dấp của một Làng Việt cổ, được khéo léo tái hiện nhờ "phép thuật" của "phù thủy kiến trúc" nổi tiếng thế giới Bill Bensley, cùng với tài năng và tâm huyết của những nghệ nhân các làng nghề truyền thống Việt Nam đương đại.
Yên Tử vẫn tiếp tục sứ mệnh lưu giữ, tôn vinh những giá trị trường tồn của Di sản ngàn năm của cha ông và là điểm tựa tinh thần của dân tộc Việt. Thêm vào đó nơi đây đang lan tỏa các giá trị cốt lõi của ngọn núi tới du khách thông qua các thiết chế văn hóa và dịch vụ phục vụ con người.
Đặt chân tới đây, du khách được bao quanh bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Rừng Quốc gia Yên Tử. Đồng thời, mọi người được chăm sóc sức khỏe Thân – Tâm – Trí theo tinh thần nhập thế, đời và đạo song hành của Thiền phái Trúc Lâm, cũng được khơi dậy cảm hứng cho sáng tạo và giao lưu nghệ thuật…
Khoác lên mình tấm áo hoàng tộc uy nghiêm, sang trọng Legacy Yên Tử vẫn ấm cúng và gần gũi với mọi tâm hồn mến yêu quê hương, văn hóa Việt. Sự yên bình mang sắc màu thiền tại Legacy Yên Tử còn được truyền tải đầy sống động qua vật liệu kiến trúc, nội thất cho đến phong cách phục vụ.
Bằng tất cả tâm huyết và sự sáng tạo, những nghệ nhân từ các làng nghề thủ công truyền thống Việt đã tìm cách khôi phục lại kỹ thuật chế tác xưa, thổi hồn vào từng đường nét hoa văn, từng nếp ngói, viên gạch… tạo nên một không gian xưa của thời Đại Việt để du khách thưởng thức và cảm nhận như mình đang lạc vào một miền cổ tích. Trong không gian ấy, du khách được phục vụ theo cung cách trang trọng, cổ xưa đem lại những xúc cảm chạm tới trái tim.
Nằm trải dài cạnh dòng suối trong xanh mát lành bên bìa rừng, Làng Nương lấy cảm hứng từ thời khắc quan trọng trong cuộc đời hoàng đế Trần Nhân Tông. Khi Ngài vào núi Yên Tử tu hành, các thị hầu, cung phi đã theo về đây nhưng không thể cùng Ngài lên núi nên họ đã ở lại ngôi làng mà Ngài cho lập dưới chân núi với cùng tên "Làng Nương".
Làng Nương ngày nay còn là một khu nghỉ dưỡng thanh bình và đậm chất thiên nhiên. Khách thăm quan hoặc nghỉ lại trong làng còn có cơ hội thưởng thức món ngon thực dưỡng, nhiều trải nghiệm văn hóa dân gian phong phú của làng quê Việt như: Đêm hội Làng Nương (chương trình biểu diễn nghệ thuật mang bản sắc của người dân tộc Dao bản địa), trải nghiệm các làng nghề truyền thống Việt (làm nón lá, chuồn chuồn tre, mặt nạ tre, sáo trúc, tranh dân gian Đông hồ, cưỡi ngựa, bắn cung,…)
*Nguồn ảnh: Yen Tu Gallery