Trở thành "Vua cà phê", ông Đặng Lê Nguyên Vũ hiện sở hữu gia tài kếch xù, bao gồm Tập đoàn Trung Nguyên, nhiều khu bất động sản giá trị, tiền mặt ở ngân hàng, cổ phần ở các công ty… Tổng giá trị tài sản có thể vượt ngưỡng hàng nghìn tỷ đồng.
Nếu chỉ nhìn vào những thành quả hiện tại, ít ai ngờ rằng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng là người đi lên từ đôi bàn tay trắng. Ông đã trải qua một quá khứ cơ cực, phải bươn chải vượt qua rất nhiều khó khăn để đi đến ngày hôm nay.
Ở thời kỳ đầu khởi nghiệp, ông còn trăn trở mãi rằng: “Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được.”
Cụ thể, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đến năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drắk, tỉnh Đắk Lắk.
Vào năm 1990, ông nhập học Đại học Y khoa Tây Nguyên. Ngôi trường này có trụ sở được đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, là một trong những trường đại học công lập có bề dày lịch sử lâu đời.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ về quá khứ cơ cực của mình. Ảnh: Internet
Ông Vũ từng chia sẻ rằng, ông thi Y chỉ vì mình học giỏi. Sau khi thi đỗ, trong nhà đã phải bán đi nhiều tạ lúa, nhiều đồ đạc giá trị để ông có thể vác ba lô từ xã M’drắk hẻo lánh tới thành phố Buôn Ma Thuột nhập học.
Nhưng những ngày học ở trường Y, ông không lúc nào ngừng trăn trở và suy nghĩ về công việc, cuộc sống của một người thầy thuốc. Càng học lên thì điều đó lại càng bứt rứt trong lòng. Chưa kể tới, mỗi lần về thăm nhà, mẹ của ông lại vừa vui mừng vừa lo sợ. Vui vì có con trai học giỏi trở về, mà sợ vì mẹ phải kiếm đâu đó ra một hai trăm nghìn để đưa cho ông khi quay lại trường học.
Điều đó khiến ông Đặng Lê Nguyên Vũ khao khát tìm được cơ hội để thoát nghèo. Trong khi “nhìn các anh chị đi trước, đồng lương công chức họ nhận được chỉ đủ ăn sáng; muốn có thêm ăn trưa, ăn chiều và mua nhà, mua xe thì khó ai có thể làm theo lời thề Hippocrate”, ông Vũ chia sẻ.
Ông Vũ không chấp nhận sống mòn mỏi với đồng lương công chức khi ra trường, càng không muốn vi phạm lời thề Hippocrate. Thế là, ông quyết định bỏ học sớm để bươn chải kiếm tiền.
Ngay từ năm thứ hai đại học, ông Vũ đã quyết định đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống sinh viên, giảm gánh nặng cho gia đình. Những giờ nghỉ giải lao, sinh hoạt ngoại khóa hay giờ tự học, ông đã bắt đầu phải tranh thủ kiếm tiền. Ông thậm chí còn nhận làm thuê ngay tại nhà trọ mà mình ở tại Buôn Ma Thuột, từ làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy…
“Điều đó càng khiến tôi mang nhiều mặc cảm, những suy nghĩ day dứt về sự nghèo khó của mình. Chính cái nghèo tận cùng đó làm trong đầu tôi lúc nào cũng điên cuồng vùng vẫy như con thú hoang khao khát tự do.” - Ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ như vậy.
Chỉ có vỏn vẹn 100.000 đồng trong túi, ông Vũ chính thức bỏ học và vào TP. HCM để tìm kiếm con đường làm giàu. Tuy nhiên, khi gặp người chú ở TP. HCM, ông đã dành thời gian nói chuyện và được chú khuyên rằng, “Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã”.
Cuối cùng, ông Vũ cũng đồng ý quay lại học tiếp với lời hứa của người chú: “Học cho xong đi rồi xuống Sài Gòn, chú giúp cho làm ăn.”
Mặc dù quay lại với ghế nhà trường nhưng bắt đầu từ đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nung nấu những ý tưởng kinh doanh. Điều ông khắc khoải nhất là về những người trồng cà phê như bố mẹ mình.
Ông đặt ra câu hỏi rằng, tại sao cà phê rất có giá nhưng những người trồng cà phê lại rất nghèo? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu?
Từ câu hỏi đến hành trình đi tìm lời giải đáp, từ suy nghĩ biến thành hành động, đó là một hành trình dài hàng chục năm mà ông cùng với 3 cộng sự là người bạn thân cùng lớp đã phải không ngừng đầu tư, thử sức.
Vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, cuối cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã xây dựng nên đế chế cà phê Trung Nguyên lẫy lừng như ngày hôm nay.
*Tổng hợp