Khu dân cư Tân Thịnh xây dựng gần 500 căn không phép là 1 trong 5 vụ việc đang được Ban Nội chính Trung ương theo dõi. Vụ việc đang chờ kết luận của UBND tỉnh Đồng Nai - Ảnh: H.MI
Trao đổi tại buổi giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng trái phép xảy ra ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai ngày 18-8, ông Cường thẳng thắn nói: "Như vụ gần 500 căn nhà không phép ở xã Đồi 61 là hiếm ở Việt Nam. Ở góc độ nào đó là buông lỏng quản lý, chưa làm hết trách nhiệm. Việc này có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị".
Thực tế, vụ gần 500 căn không phép là vụ khu dân cư Tân Thịnh nằm trong 5 vụ việc mà Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tiêu cực giao Đồng Nai xử lý và yêu cầu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển cơ quan điều tra.
Ông Cường cho rằng việc quản lý xây dựng, đất đai rất phức tạp bởi nhu cầu về nơi ở, nơi làm việc… hầu hết gắn với đất đai nên phát sinh rất nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Ngay ở huyện Trảng Bom phải nhìn nhận sức ép tăng dân số về lao động, sản xuất gây áp lực rất lớn cho chính quyền địa phương từ an ninh trật tự, công ăn việc làm, chăm lo đời sống văn hóa... Từ đây cũng xảy ra những vụ việc vi phạm về đất đai, xây dựng trong thời gian dài.
3 năm gần đây địa phương đã ngăn chặn được tình trạng này là điều đáng ghi nhận, nhưng thực tế ở cơ sở vẫn còn xảy ra vi phạm.
Theo ông Cường, nếu chính quyền cơ sở làm tốt thì không thể có chuyện xây dựng trái phép. Trưởng công an cấp xã nắm chắc, làm tốt thì không thể có những vi phạm xảy ra.
"Chúng ta dĩ hòa vi quý, vui vẻ với nhau, thậm chí chưa nói đến tiêu cực. Tất cả vi phạm về xây dựng đất đai xuất phát từ cán bộ cơ sở, thậm chí có trách nhiệm của cả cấp ủy", ông Cường nói.
Tại buổi giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cùng UBND tỉnh Đồng Nai và các sở ngành cũng đi giám sát một khu dân cư hơn 7ha do Công ty TNHH Bất động sản Liên Hợp làm chủ đầu tư tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom có sai phạm nên bị buộc tạm dừng thực hiện.
Ông Quản Minh Cường nói để xảy ra vi phạm trên là có sự buông lỏng của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - môi trường và UBND huyện Trảng Bom. Do đó, việc xử lý dự án là tháo dỡ các công trình vi phạm hay cho chủ đầu tư tiếp tục làm dự án.
Ông Cường lưu ý việc xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Nếu doanh nghiệp có sai phạm đến mức xử lý hình sự thì vẫn phải truy tố nhưng dự án triển khai đúng pháp luật, không để lãng phí.
"Chúng ta phải làm điểm được một vài dự án như thế này để gỡ vướng cho các dự án tương tự trên địa bàn tỉnh" - ông Cường đề nghị.
4 năm phát hiện 882 vụ vi phạm về đất đai, xây dựng
Ông Lê Ngọc Tiên - phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom - cho biết giai đoạn 2018-2021 đã phát hiện vi phạm và xử lý 882 vụ việc vi phạm về đất đai, xây dựng, khoáng sản. Trong đó có 186 vụ được ngăn chặn, trả lại hiện trạng ban đầu; xử phạt 696 vụ, trong đó đất đai 531 vụ, xây dựng 92 vụ, khoáng sản 73 vụ.
Trong số 696 vụ đã khắc phục hậu quả 412 vụ và đang còn tồn 284 vụ đang xử lý.
Theo ông Tiên, sai phạm về đất đai chủ yếu vi phạm về việc sử dụng đất sai mục đích như xây dựng nhà ở, nhà tiền chế, san lấp mặt bằng cải tạo đất và làm đường trên đất nông nghiệp…
Nguyên nhân một số địa phương chưa chủ động kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm trên địa bàn được giao quản lý. Thậm chí có nơi chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định pháp luật, để phát sinh vi phạm, chậm xử lý… làm giảm hiệu quả, hiệu lực trong việc xử lý vi phạm.