Hôm nay 21.5, trao đổi với Thanh Niên, TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG (Nhật Bản), đánh giá việc đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị (metro) Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) xảy ra tình trạng nước chảy tong tỏng khiến khách hàng phải che ô là "vấn đề tương đối nghiêm trọng".

Hành khách che ô khi một toa tàu Cát Linh - Hà Đông bị "dột nước" vào ngày 19.5
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Điều này dù không ảnh hưởng đến tính an toàn khi tàu điện lưu thông nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ, sự thoải mái của hành khách khi đi tàu.
Theo TS Bình, việc thoát nước điều hòa không ổn định dẫn đến chảy nước xuống dưới toa hành khách không phải là vấn đề khó về mặt kỹ thuật nên có thể xử lý được.
"Tình trạng này cần phải xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để xảy ra lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhận định của người dân về chất lượng dịch vụ giao thông công cộng. Chúng ta vẫn ca ngợi đi tàu metro mát mẻ, thoải mái, dễ chịu hơn đi xe máy, xe buýt thì phải đảm bảo được điều đó", ông Bình nói.
TS Bình cho rằng, việc tàu điện Cát Linh - Hà Đông "dột nước" đã bộc lộ "lỗ hổng" về công tác bảo dưỡng, duy tu đối với loại hình vận tải hành khách công cộng này.
"Công tác duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong duy trì chất lượng dịch vụ và xa hơn nữa là duy trì độ an toàn của tàu đường sắt đô thị. Cho nên, cần chú trọng công tác này trong thời gian tới", ông Bình khuyến cáo.
Một chuyên gia giao thông (đề nghị ẩn danh) cho biết, tình trạng chảy nước điều hòa cũng xảy ra ở các đoàn tàu điện nước ngoài nhưng hy hữu hơn ở Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên khi bắt đầu vào mùa hè, rêu mốc phát triển rất mạnh trong đường ống thoát nước điều hòa.
Chuyên gia này nhìn nhận có thể do đường ống bị rêu mốc nhưng lâu ngày không được duy tu nên cản trở hệ thống thoát nước điều hòa, khiến nước bị dâng rồi chảy tràn xuống toa tàu.
"Bản chất sâu xa của vụ việc này không phải là do thiết bị, mà do đơn vị vận hành không lường trước được đến thời điểm nào thì phải làm việc gì. Do đó, nguyên nhân chủ quan còn có thể do năng lực duy tu, bảo dưỡng của đội ngũ kỹ thuật chưa đáp ứng được khi xuất hiện sự cố sau nhiều năm đưa đoàn tàu vào khai thác thương mại", vị chuyên gia này đánh giá.
Như Thanh Niên đã đưa tin, trong ngày 19 và 20.5, 2 đoàn tàu tuyến metro Cát Linh - Hà Đông xảy ra tình trạng "dột nước" khiến hành khách bức xúc.
Theo một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chảy nước từ điều hòa xuống toa tàu. Tính cả thời gian vận hành thử thì hệ thống tàu đã vận hành nhiều năm. Việc chảy nước điều hòa chỉ là sự cố thông thường, không liên quan đến chất lượng, mức độ an toàn khi tàu vận hành.
Được biết, để đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Hanoi Metro sẽ báo cáo thành phố, đề xuất cho phép lập Dự án trung tu gắn với đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật của đoàn tàu, hệ thống trang thiết bị vận hành trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga, được khai thác thương mại hồi tháng 11.2021. Quá trình vận hành, tàu metro Cát Linh - Hà Đông đã nhiều lần gặp sự cố kỹ thuật khiến tàu phải dừng lại.