Thời sự

Vụ phó phòng bị tạm đình chỉ công tác: Sự thật về 1.000 món ngon

Liên quan đến việc ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, bị UBND huyện Phong Điền ra quyết định tạm đình chỉ công tác vì phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, chiều 11-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền, cho biết về mặt Đảng, ông Hoàng đã bị yêu cầu viết bản kiểm điểm.

Vụ phó phòng bị tạm đình chỉ công tác: Sự thật về 1.000 món ngon - 1

Ông Hoàng đăng thông tin trên Facebook

Ngày 5-11, ông Hoàng viết trên Facebook cá nhân với nội dung "Nếu nói ẩm thực tầm của một tỉnh, hay TP mà có tới 1.000 món ăn ngon là nói láo trắng trợn, ai tin nữa". Đến tối cùng ngày, ông Hoàng đã gỡ bỏ nội dung này trên Facebook. 

Nhiều người cho rằng ông Hoàng đăng nội dung trên là ám chỉ "Ngày hội Văn hóa ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay" tại Làng du lịch sinh thái Ông Đề, diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27-10.

Sau đó, Ban Thường vụ huyện ủy Phong Điền họp và gọi ông đến trao quyết định đình chỉ công tác 15 ngày, kể từ ngày 10 đến hết ngày 24-11. Lý do ông Hoàng bị đình chỉ: Trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật về việc đăng tin trên mạng xã hội có nội dung không phù hợp, thiếu chuẩn mực gây bức xúc trong đơn vị hoạt động du lịch và dư luận nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch của huyện.

Vụ phó phòng bị tạm đình chỉ công tác: Sự thật về 1.000 món ngon - 2

Làng du lịch Sinh thái Ông Đề

Dư luận cho rằng ông Hoàng nói đúng vì đừng nói chi 1 tỉnh mà kể cả một quốc gia không thể liệt kê được 1.000 món ngon.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền cho hay trước đó, Công ty TNHH Quảng cáo truyền thông Dấu Ấn Việt có gửi văn bản cho phòng về việc xin tổ chức "Ngày hội Văn hóa ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay" tại Làng du lịch Sinh thái Ông Đề. Phòng cũng đã tham mưu nhiều đơn vị khác và đã có văn bản đồng ý cho đơn vị tổ chức nhưng phải đảm bảo nội dung chương trình đã đăng ký, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm… 

"Tuy nhiên, danh sách 1.000 món ngon thì không thấy bên làng du lịch gửi qua. Thực tế ngày hội tôi đi khảo sát thì có hơn 1.000 món, nhưng nói ngon thì không tới 1.000 món. Tôi ăn 20 món thì nếu đánh giá chỉ có 18 món là ngon" - ông Hoàng nhận xét.

Theo ông Lê Hải Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo truyền thông Dấu Ấn Việt, thời điểm này là tháng thấp điểm nên công ty muốn làm sự kiện để kích cầu du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

"Ngày hội vừa qua có khoảng 120 gian hàng tham gia, mỗi gian hàng trưng bày hơn 10 món, nên thực tế có hơn 1.000 món. Chúng tôi hỗ trợ 100% tiền điện, nước, mặt bằng… cho các gian hàng. Đối với những gian hàng về thức ăn và bánh dân gian thì mình hỗ trợ lại 1 triệu đồng. Trong 3 ngày đầu diễn ra ngày hội, chúng tôi bán vé với giá 120.000 đồng/lượt, những ngày sau thì giá vé bằng ngày thường là 100.000 đồng/lượt. Tổng kết sự kiện này công ty lỗ khoảng 300 triệu đồng, nhưng mình được quảng bá hình ảnh Làng du lịch Sinh thái Ông Đề và du lịch của Phong Điền" - ông Lê Hải Phúc nói.

Vụ phó phòng bị tạm đình chỉ công tác: Sự thật về 1.000 món ngon - 3

Một gian hàng trưng bày món ăn tại Ngày hội Văn hóa ẩm thực 1.000 món ngon xưa và nay. Ảnh: Fanpage Làng du lịch Sinh thái Ông Đề

Về việc dư luận cho rằng nếu nói 1.000 món thì có thể được, chứ 1.000 món ngon thì lấy tiêu chuẩn gì đánh giá, ông Phúc thông tin thêm: "Tiêu chí ngon thì mỗi người có khẩu vị của mình, món này người này có thể nói không ngon, người kia có thể nói ngon, chuyện đó bình thường".

Tuy nhiên, khi chúng tôi xem danh sách 1.000 món do ông Phúc cung cấp, bên cạnh nhiều món gồm: cá viên chiên, hột é, xoài lắc, cơm lam, cà phê đá, bánh ú, bánh tét, nem nướng, các loại bánh dân gian… thì trong danh sách còn có một số món "rất lạ" như: áo thun, kẹp tóc, nước hoa, bàn chải đánh răng trẻ em, vải các loại…

Chia sẻ
Theo Ca Linh (Người lao động)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm