Sáng 20-7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án chuyến bay giải cứu, HĐXX nghe các luật sư, bị cáo nêu quan điểm bào chữa.
Hai vợ chồng đưa hối lộ hơn 50 tỉ đồng
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury) và vợ là Vũ Thùy Dương cùng bị xét xử về tội đưa hối lộ.
Bị cáo Mạnh thành lập Công ty cổ phần du lịch Lữ hành Việt (Công ty Lữ hành Việt) giao cho Dương đứng tên làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh tại phiên tòa. Ảnh: CTV
Trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty Lữ hành Việt chuẩn bị hồ sơ gửi Văn phòng Chính phủ và công văn gửi các hãng hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận.
Khoảng tháng 1-2021, Mạnh bàn bạc để Hoàng Anh Kiếm giúp xin cấp phép chuyến bay và được chia lợi nhuận. Mạnh chỉ đạo Dương đưa tiền cho Kiếm để Kiếm đưa hối lộ các cá nhân có thẩm quyền.
Thấy Kiếm chi tiền quá lớn nên giai đoạn sau, tự Mạnh xin cấp phép và chỉ đạo Dương chuyển tiền hối lộ. Mạnh bị xác định đưa hối lộ 27,8 tỉ đồng, bị VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù, Dương đưa hối lộ 24 tỉ đồng tỉ đồng, bị đề nghị 2-3 năm tù.
Cáo trạng thể hiện bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh và bị cáo Vũ Thùy Dương đều có tình trạng hôn nhân là đã ly hôn. Hai bị cáo này sống chung với nhau, không đăng ký kết hôn nhưng có một con chung.
Tại tòa các bị cáo gọi nhau là vợ/chồng, luật sư khi bào chữa cũng gọi các bị cáo là vợ/chồng.
Sai khiến vợ, vô tình đẩy vợ phạm tội...
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Mạnh nói rằng trước tình hình dịch bệnh, hoàn cảnh nhiều người khó khăn, bị cáo có danh sách gần 1.000 công dân xin về, bị cáo đã chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ từ chọn khách sạn, ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn…
Nhưng hồ sơ của công ty không được duyệt, bị cáo Mạnh nói "rất thất vọng" nhưng không thể trả lời khách như vậy được.
"Vì thế, bị cáo quyết tâm cố gắng xin bằng được chuyến bay… (nói đến đây, bị cáo bật khóc), đến giờ phút này, bị cáo khẳng định chính hành vi mập mờ… đã thúc đẩy bị cáo và đồng nghiệp của bị cáo... Suốt quá trình cấp phép chuyến bay, bị cáo chỉ mong muốn có được việc làm, có được chuyến bay để đưa công dân về nước.
Khi kết luận điều tra được công bố, bị cáo mới biết Kiếm dùng tiền bị cáo đưa đi hối lộ, bị cáo xin thành khẩn nhận tội và xin tòa công minh công tâm xem xét động cơ mục đích hành vi"- bị cáo nói.
Trình bày về hoàn cảnh, Mạnh nói bị cáo Dương là vợ bị cáo, hoàn toàn lệ thuộc vào bị cáo cả về tiền bạc, công việc, tình cảm.
"Có thể nói, bị cáo đã sai khiến Dương làm theo sự chỉ đạo của bị cáo. Bị cáo Dương lệ thuộc hoàn toàn về công việc, tài chính, tình cảm vào bị cáo"- bị cáo Mạnh nhận trách nhiệm.
"Khi dịch bệnh, bị cáo Dương đang nuôi con nhỏ 1 tuổi, chính bị cáo đẩy vợ, dù là vô tình, vào con đường phạm tội'- bị cáo Mạnh nói.
Vì thế, bị cáo Mạnh xin HĐXX xem xét nhân văn, nhân đạo rộng lượng với gia đình bị cáo, cho vợ bị cáo ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ người cha mẹ, người làm con.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Dương không nói gì thêm và hoàn toàn đồng ý với ý kiến luật sư bào chữa.
Về bị cáo Mạnh, luật sư bào chữa cho rằng mức án với bị cáo là quá nặng xét nguyên nhân, động cơ phạm tội, mức độ nguy hiểm của hành vi… Bị cáo chỉ có mục đích đưa người hồi hương chống dịch, đưa 32 chuyến bay đưa gần 8.000 công dân về nước, tạo việc làm khi khó khăn.
Theo luật sư, số tiền bị cáo đưa cho Kiếm đều được tính thành tiền đưa hối lộ là quá nặng nề, thiệt thòi đối với bị cáo. Trong vụ án, một phần bị cáo bị ép đưa tiền, một phần mang tính chất cảm ơn.
Về bị cáo Dương, luật sư bào chữa không có ý kiến về tội danh mà các bị cáo bị truy tố, luận tội. Tuy nhiên, luật sư đề nghị áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Dương, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, các con còn nhỏ, chồng bị cáo cũng bị xét xử trong vụ án này, bị cáo phải chăm sóc nuôi dưỡng các cháu .
Luật sư cũng đề nghị xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ và cân nhắc mức án cho bị cáo Mạnh.