Xã hội

Vụ án cũ, án mới và oan sai, tòa án nào giải quyết theo luật mới?

Tòa án khu vực và tòa án cấp tỉnh xét xử những loại nào?

Từ ngày 1.7, tổ chức của TAND bao gồm: TAND tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là TAND cấp tỉnh); TAND khu vực; Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế (gọi chung là tòa án chuyên biệt); Tòa án Quân sự Trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.

Sau khi hợp nhất, thành lập, trong hệ thống tổ chức của TAND có 34 tòa án cấp tỉnh, 355 tòa án khu vực.

Nghị quyết số 225 năm 2025 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1.7, quy định rất nhiều điểm mới về thẩm quyền giải quyết của các tòa án.

Vụ án cũ, án mới và oan sai, tòa án nào giải quyết theo luật mới? - Ảnh 1.

Theo luật mới, không còn TAND cấp cao mà thay vào đó là Tòa Phúc thẩm TAND tối cao

ẢNH: NGÂN NGA

Tòa án khu vực: có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ giải quyết, xét xử vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác mà tòa án cấp huyện đang giải quyết; những vụ việc mà bản án, quyết định của tòa án cấp huyện bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Các tòa án khu vực kế thừa quyền, trách nhiệm của các tòa án cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Tòa án cấp tỉnh: thực hiện nhiệm vụ giải quyết đơn, văn bản đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật; những vụ việc mà bản án, quyết định của tòa án cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm.

Chánh án tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp huyện. Tòa án cấp tỉnh giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án cấp huyện.

Án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự xử lý sao?

Riêng đối với các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án khu vực mà tòa án cấp tỉnh đang giải quyết trước ngày 1.7, nhưng chưa giải quyết xong thì xử lý như sau:

Trường hợp tòa án cấp tỉnh đã nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu nhưng chưa thụ lý thì chuyển cho tòa án khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ giải quyết, trừ trường hợp tòa án đã tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại tòa án và có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành thì tòa án cấp tỉnh tiếp tục xem xét, ra quyết định.

Trường hợp tòa án cấp tỉnh đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 1.7 nhưng chưa giải quyết xong thì tòa án cấp tỉnh tiếp tục giải quyết.

Tòa Phúc thẩm TAND tối cao xét xử án nào?

Từ ngày 1.7, không còn TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại Đà Nẵng, TAND cấp cao tại TP.HCM. Thay vào đó là Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Đà Nẵng, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM.

Trong đó, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao giải quyết, xét xử theo thủ tục phúc thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự mà TAND cấp cao đang giải quyết; những vụ việc mà bản án, quyết định của TAND cấp cao bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Tòa Phúc thẩm TAND tối cao xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự đã được TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm mà có kháng cáo, kháng nghị.

Tòa Phúc thẩm TAND tối cao giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao.

Giải quyết các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao.

Chánh tòa Tòa Phúc thẩm TAND tối cao kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật.

Thẩm quyền của TAND tối cao

TAND tối cao tiếp nhận nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao.

Chánh án TAND tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp huyện; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao, TAND cấp huyện.

TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao đã có hiệu lực pháp luật về vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác; đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao.

TAND tối cao kế thừa quyền, trách nhiệm của các TAND cấp cao theo quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động trọng tài

Thỏa thuận lựa chọn tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài quy định tại khoản 1 điều 7 của luật Trọng tài thương mại trước ngày 1.7, thì tòa án được lựa chọn hoặc tòa án kế thừa quyền, trách nhiệm của tòa án được lựa chọn có thẩm quyền giải quyết.

TAND tối cao giải quyết bồi thường oan sai

TAND tối cao là cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong các trường hợp sau đây:

  1. Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao mà quyết định bị hủy đã xác định bị cáo có tội và đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội, hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
  2. Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao mà quyết định bị hủy đã xác định bị cáo có tội để điều tra lại nhưng sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội, hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
  3. Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao mà quyết định bị hủy đã xác định bị cáo có tội để xét xử lại, nhưng sau đó bị cáo được tuyên không có tội vì không có sự việc phạm tội, hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Các tin khác

TP HCM có tân Phó Bí thư Thành uỷ

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), vừa được Bộ Chính trị chuẩn y giữ chức Phó Bí thư Thành uỷ TP HCM (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025.

EVNHANOI tổ chức lại mô hình Công ty Điện lực theo đơn vị hành chính mới

Từ ngày 01/07/2025, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) sẽ triển khai việc sắp xếp lại mô hình tổ chức các Công ty Điện lực trên địa bàn, phù hợp với đơn vị hành chính mới của Thủ đô. Đây là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành lưới điện và chất lượng phục vụ khách hàng của ngành Điện trong thời kỳ chuyển đổi số.

Sáng 1/7: Giá vàng trong nước bật tăng

Trong phiên giao dịch chiều nay, các thương hiệu vàng lớn đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh giá vàng nhẫn và vàng SJC so với đầu giờ sáng.

Kỳ họp lịch sử của HĐND cấp xã

Sáng 1.7, các xã, phường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kỳ họp HĐND cấp xã đầu tiên trong ngày thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn.

LG gram AI 2025 ra mắt tại Việt Nam, trang bị AI thấu cảm

LG vừa chính thức ra mắt thế hệ laptop LG gram AI 2025 tại Việt Nam với điểm nhấn "AI Lai" (Hybrid AI) cùng loạt tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) thấu cảm với khả năng xử lý các tác vụ AI ngay trên thiết bị mà không cần kết nối internet.

Địa bàn rộng sau sáp nhập, người dân tưởng xa mà gần

Được hình thành từ diện tích 9 phường, người dân P.Tây Hồ (Hà Nội) tưởng rằng phải đi xa để đến trụ sở công quyền làm thủ tục hành chính, nhưng lại rất gần và thuận lợi bởi có nhiều địa điểm tiếp dân.

Nhân sự lãnh đạo tỉnh Ninh Bình sau hợp nhất

Bộ Chính trị quyết định chỉ định BCH Đảng bộ tỉnh Ninh Bình sau hợp nhất ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định. Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình (mới), nhiệm kỳ 2020-2025.