Sáng 23/5, trao đổi với phóng viên báo Dân trí, lãnh đạo UBND xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa xác nhận khu vực bờ biển thuộc địa phương vừa xảy ra hiện tượng vòi rồng. Thiệt hại đang được địa phương kiểm kê.
Trước đó, theo hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, vòi rồng ước tính cao hàng trăm mét, kéo theo cột nước trắng xóa quét qua mặt biển, làm lật một tàu đánh cá của ngư dân, đánh bay nhiều tàu, ghe vào bờ.
Thời điểm vòi rồng di chuyển, khu vực biển gần bờ ở xã Vạn Hưng thủy triều đang rút, sức gió của vòi rồng làm rung lắc nhiều thuyền nhưng lượng nước không vào các tàu nhiều. May mắn không có thương vong về người.
Theo thông tin trên báo PL TPHCM, chị Thúy Diễm (ngụ xã Vạn Hưng) là người đã quay lại hiện tượng vòi rồng. Chị Diễm kể lại, vào khoảng 15h30 ngày 22/5, trời bỗng nổi mây đen rồi gió lớn kéo đến. Lúc nhìn ra hướng biển thì mọi người phát hiện có cột vòi rồng cao gần 1.000m xuất hiện.
“Cột vòi rồng rất lớn xuất hiện cách bờ biển khoảng 500m. Vòi rồng đi nhanh khoảng 3-4 phút, trên đường đi làm một số tàu thuyền bị lật ngang”- chị Diễm thuật lại.
Vòi rồng là hiện tượng gió xoáy rất mạnh, với đường kính rất nhỏ, hút từ bề mặt đất hoặc mặt biển lên đám mây vũ tích, tạo thành hình như cái phễu di động, trông giống như cái vòi, nhưng từ trên bầu trời thò xuống.
Trên đường di chuyển nó có thể cuốn theo (rồi ném xuống ở một khoảng cách xa sau đó) hoặc phá huỷ mọi thứ, kể cả những nhà gạch xây không kiên cố, nên nó cũng là hiện tượng khí tượng đặc biệt nguy hiểm. Nhìn từ xa vòi rồng có thể có màu đen hoặc trắng, tuỳ thuộc những thứ mà nó cuốn theo.
Ở nước ta, vòi rồng và tố thường xuất hiện vào các tháng mùa hè. Năm nào cũng xảy ra hiện tượng này, song có năm nhiều, năm ít. Ở Bắc Bộ, vòi rồng không những xảy ra trong các tháng mùa hè, mà đặc biệt thường hay xảy ra vào các giai đoạn chuyển tiếp từ đông sang hè (tháng 4, tháng 5), mỗi khi có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới. Ở Nam Bộ, số lần xảy ra hiện tượng vòi rồng ít hơn ở Bắc Bộ và Trung Bộ.