Tài chính

Vỡ mộng và kiệt sức vì mất việc, người trẻ Trung Quốc nương nhờ cửa Phật: Đi chùa trở thành xu hướng, có người ở lại 1 năm để tu tập

Vỡ mộng và kiệt sức vì mất việc, người trẻ Trung Quốc nương nhờ cửa Phật: Đi chùa trở thành xu hướng, có người ở lại 1 năm để tu tập - Ảnh 1.

Sau khi ra trường, Lu Zi có công việc lý tưởng tại một tập đoàn thương mại điện tử. Một năm sau, cô gái này quyết định từ bỏ tất cả và chuyển tới sống tại một ngôi chùa Phật giáo miền đông Trung Quốc.

Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, Lu tham vọng và đã dành toàn bộ năm tháng đại học để lên kế hoạch cho sự nghiệp. Với tấm bằng tiếng Trung, cô nhìn thấy tương lai trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm gia nhập thị trường lao động, Lu nhận ra mình cần nghỉ ngơi nên quyết định làm tình nguyện tại một ngôi chùa ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Vỡ mộng và kiệt sức, Lu, 25 tuổi, tạm thời rút lui khỏi thị trường việc làm cạnh tranh và dự định dành 1 năm tịnh tâm nơi cửa phật.

“Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn tác động đến quan niệm của chúng tôi về cuộc sống. Suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã khiến nhiều người ở độ tuổi của tôi vô cùng lo lắng. Với tất cả những sự không chắc chắn, nhiều người đang chọn làm những công việc an toàn và ổn định. Cũng có người giống như tôi, muốn dừng lại và suy xét lại mọi thứ”, Lu nói.

Theo SCMP, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong những tháng gần đây, song tỷ lệ thất nghiệp lại tăng từ 17,5% vào năm ngoái lên 18,1% trong 2 tháng đầu năm 2023. Thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 24 là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất việc làm. Tình trạng này được cho là sẽ ảnh hưởng xấu đến triển vọng phát triển kinh tế quốc gia.

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại và bỏ các quy tắc về COVID-19, các ngôi chùa Phật giáo trở thành điểm đến lý tưởng cho những người trẻ mưu cầu sự tịnh tâm và may mắn như Lu. Theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Trip.com, số lượt viếng thăm các ngôi chùa trên khắp cả nước đã tăng 310% kể từ đầu năm 2023 so với một năm trước, trong đó phần lớn là millennials và Gen Z.

Vỡ mộng và kiệt sức vì mất việc, người trẻ Trung Quốc nương nhờ cửa Phật: Đi chùa trở thành xu hướng, có người ở lại 1 năm để tu tập - Ảnh 2.

Hiện tượng thanh niên Trung Quốc – hầu hết được giáo dục theo thuyết vô thần bất ngờ đổ xô đi lễ đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Đền chùa trước đây chỉ đông đúc vào các ngày lễ lớn song hiện tại, thực tế đã thay đổi. Đây trở thành chốn dung nạp những người trẻ tuổi không muốn trở thành tăng ni nhưng khao khát giảm bớt áp lực công việc và thấm thía lối sống Phật giáo.

Đối với nhiều người, đây chính xác là một chuyến du ngoạn tâm hồn. Còn với những người khác, chẳng hạn như Lu, sẽ làm tình nguyện viên trong nhiều tháng: vừa nhận sự hỗ trợ về tinh thần, vừa giúp đỡ các thầy công việc hàng ngày tại chùa.

Đền Lama là một trong những nơi được người trẻ lui tới nhiều nhất. Những tháng gần đây, họ xếp hàng dài bên ngoài ngay cả các ngày trong tuần. Ước tính khoảng 40.000 người đã đến thăm Lama mỗi ngày kể từ đầu tháng 3.

Bắt đầu chuyến thăm quan, du khách thường dừng chân tại các cửa hàng lưu niệm, chi trung bình từ 200 nhân dân tệ đến 1.000 nhân dân tệ (29 USD đến 145 USD) để mua vật phẩm cầu may mắn như vòng tay chuỗi hạt. Nhu cầu về quà lưu niệm trong đền thờ lớn đến mức chúng còn được bán lại trực tuyến trên các nền tảng mua sắm như Taobao.

Thắp hương, tụng kinh cũng xuất hiện dưới dạng trực tuyến. Một số ứng dụng ra đời giúp người dùng gõ nhịp tụng kinh như ngoài đời thực, trong đó phiên bản trên cửa hàng ứng dụng Huawei đã ghi nhận hơn 5,7 triệu lượt tải xuống.

Hiện tượng thanh niên Trung Quốc – hầu hết được giáo dục theo thuyết vô thần bất ngờ đổ xô đi lễ đã thu hút sự chú ý của truyền thông nhà nước. Một bài bình luận gần đây trên tờ The Beijing News cho rằng “một số thanh niên đã chọn sai cách để giải quyết  áp lực”. Họ cho rằng giới trẻ Trung Quốc nên làm việc chăm chỉ hơn thay vì đặt hy vọng nơi nén nhang.

Vỡ mộng và kiệt sức vì mất việc, người trẻ Trung Quốc nương nhờ cửa Phật: Đi chùa trở thành xu hướng, có người ở lại 1 năm để tu tập - Ảnh 3.

Đi chùa trở thành xu hướng tại Trung Quốc

Tian Wenzhi, một cây bút có tiếng tại Trung Quốc, lại nghĩ khác. Ông cho rằng áp lực và những khó khăn người trẻ đang phải đối mặt cần được thấu hiểu. “Cuộc sống hối hả đặt ra nhiều thách thức hơn cho những người trẻ vốn đang lo lắng về sự nghiệp, hôn nhân cũng như áp lực chăm sóc gia đình”, Tian Wenzhi viết.

Hiện tại, đi chùa đã trở thành xu hướng. Chỉ riêng trên ứng dụng lối sống Xiaohongshu hiện đã có gần 900.000 bài đăng về chủ đề này. Rất nhiều người chia sẻ kinh nghiệm đi lễ và tìm kiếm thông tin.

“Bản thân họ không coi trọng các nghi lễ, cũng không thấy cần thiết phải theo tôn giáo đó. Họ chỉ đơn giản hy vọng được sự may mắn khi công đức và đọc kinh Phật”, Zhu Yiwen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hóa Thượng Hải, viết trong một bài bình luận trên tờ Sixth Tone.

Yao Fenfen, 23 tuổi, quyết định dành vài ngày tại một ngôi chùa ở Thâm Quyến sau khi tìm hiểu về nó trên ứng dụng.

“Tôi mất việc vào đầu năm nay và muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi này để trải nghiệm và thư giãn một chút. Tôi đã xem một số bài đăng trên Xiaohongshu về việc làm tình nguyện tại các ngôi đền và nghĩ rằng đây sẽ là một trải nghiệm thú vị,” cô nói. “Tôi đã kết bạn với nhiều người bạn mới trong thời gian đó. Nhiều người trong số họ bằng tuổi tôi và cũng vừa mới nghỉ việc. Họ cũng đến chùa để trải nghiệm cuộc sống”.

Theo Lu, xu hướng này cho thấy một thế hệ trẻ Trung Quốc cởi mở hơn với những lối sống khác nhau. Phật giáo đã giúp Lu thức tỉnh thân tâm trí.

“Không giống như thế hệ cha mẹ tôi, thế hệ trẻ giờ đây không còn phải quá lo lắng về nạn đói và bất ổn chính trị. Chúng tôi có thể tận hưởng, cảm thấy tự do hơn và lựa chọn hướng đi theo đúng bản năng thay vì nghe theo tiếng nói xã hội”, Lu nói. “Việc những lời cầu nguyện có thành hiện thực hay không không quan trọng lắm. Quan trọng là khi niệm Phật, tôi cảm thấy mọi thứ an yên và chân thành”.

Theo: SCMP, Sixth Tone

Cùng chuyên mục

Đọc thêm