Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần tiếp tục chứng kiến sự bứt tốc của “kỳ lân” công nghệ VNG (mã VNZ) . Ngay từ khi mở cửa, thị giá có thêm một phiên tăng kịch trần (+134.000 đồng/+15%) chỉ với 100 cổ phiếu khớp lệnh.
Đây đã là phiên thứ 9 liên tiếp cổ phiếu này tăng kịch trần, đều đặn mỗi phiên +15%, VNZ hiện đã tiến lên mức 1.027.400 đồng/cp. Như vậy, VNZ đã trở thành cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chạm đến mức thị giá trên 1 triệu đồng/cp.
Trước đó, VNZ mới phá kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán được giữ bởi BMC từ năm 2007. Ngoài ra, VNZ cũng là cái tên đầu tiên trong lịch sử có một phiên tăng trên 130.000 đồng/cp. Con số cao hơn thị giá của hầu hết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Chỉ sau chưa đầy 2 tuần giao dịch, “kỳ lân” công nghệ VNG thiết lập hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Nếu tiếp tục giữ phong độ ấn tượng như hiện tại, VNZ có thể sẽ chạm đến những mức đỉnh cao "không tưởng".
Giải trình về đà tăng “nóng” của cổ phiếu VNZ thời gian qua, VNG đã đưa ra “văn mẫu” tương tự hầu hết các cổ phiếu khác. VNG cho biết, giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua.
Nhờ mạch tăng “nóng”, vốn hóa thị trường của VNG đã đạt mức 2 9 . 5 00 tỷ đồng, tương đương hơn 1 ,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cao mà “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam từng chạm đến. Còn nhớ vào năm 2019, VNG đã được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao "ngất ngưởng" khi Công ty QLQ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.
Với việc sở hữu 3,53 triệu cổ phiếu VNZ, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - nhà đồng sáng lập đồng thời là CEO VNG đã xấp xỉ ngưỡng 3.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.700 tỷ từ đầu tháng 2.
Đáng chú ý, VNZ tăng mạnh chỉ với thanh khoản rất nhỏ giọt vài trăm đơn vị/phiên. Nguyên nhân do lượng lớn cổ phiếu đang nằm trong tay các cổ đông nước ngoài cũng như các lãnh đạo cao cấp. Tỷ lệ freefloat (cổ phiếu trôi nổi tự do) của VNZ hiện chỉ đạt 40%, tương ứng hơn 11 triệu cổ phiếu ngoài thị trường, con số thương đối thấp.
Hiện tại, toàn bộ các cổ đông ngoại của VNG đã chuyển nhượng cổ phần sang một pháp nhân có trụ sở tại Cayman là VNG Limited. Trong nước, ngoài lượng sở hữu lớn nằm trong tay các lãnh đạo cao cấp, VNG còn số cổ phiếu quỹ chiếm gần 20% vốn điều lệ chuẩn bị được chuyển nhượng cho CTCP Công nghệ BigV với giá rất “rẻ”, chỉ chưa đến 180.000 đồng/cp.