Thông qua giải pháp thanh toán không chạm VNPAY SoftPOS, các doanh nghiệp SME có thể tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường khả năng cạnh tranh. Công nghệ này phổ biến tại nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Canada, Đức, Anh và Pháp.
Theo đó, trước đây, nếu các hộ kinh doanh phải đầu tư chi phí mua máy POS thì với VNPAY SoftPOS, chiếc điện thoại của người bán hàng có thể trở thành thành máy POS, xử lý giao dịch thẻ không tiếp xúc thông qua sóng NFC.
VNPAY SoftPOS được tích hợp trên VNPAY Merchant, giúp các đơn vị kinh doanh có thể dễ dàng sử dụng di động như thiết bị thanh toán một chạm, thanh toán đa dạng thẻ contactless như Visa, Master, JCB, Napas.. Ngoài ra còn hỗ trợ thanh toán Samsung Pay, Google Pay hoặc Apple Pay. Điều này phù hợp với xu hướng thanh toán không tiếp xúc tăng mạnh tại Việt Nam, với tỷ lệ chấp nhận đạt 39%, tính đến tháng 10/2023 theo nghiên cứu của Visa.
Khi đăng ký VNPAY SoftPOS trên ứng dụng VNPAY Merchant, các doanh nghiệp được VNPAY cung cấp hệ thống báo cáo chi tiết, minh bạch. Nhờ đó, chủ cửa hàng có thể dễ dàng quản lý dòng tiền từ các phương thức thanh toán, cập nhật tình hình giao dịch mọi lúc mọi nơi, cũng như xây dựng định hướng phát triển cho điểm bán.
Bên cạnh đó, VNPAY cung cấp các ưu đãi phí đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp SME và nhà bán hàng mới đăng ký, như giảm phí thanh toán thẻ hoặc không có chi phí quản lý bổ sung.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào chia sẻ, với giải pháp này, VNPAY và Visa hướng tới thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp thông qua việc giảm thiểu chi phí thiết bị, nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiếp xúc ngày càng tăng ở Việt Nam. "Chúng tôi cam kết tiếp tục mở rộng và cung cấp các sáng kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp SME bắt kịp xu hướng phát triển thanh toán số", bà Dung nói.
Thống nhất với cam kết của bà Dung, ông Niraan De Silva, Tổng Giám đốc VNLIFE kiêm Phó Chủ tịch HĐQT VNPAY cho biết thêm, công nghệ không chỉ đơn giản hóa các giao dịch, còn giảm chi phí và tăng cường bảo mật cho các doanh nghiệp ở mọi quy mô.
VNPAY hiện là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có thể tự chủ về công nghệ SotfPOS, đồng thời là đơn vị đầu tiên đạt chứng chỉ PCI CPoC của Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật ngành Thẻ thanh toán (PCI SSC).
Nghiên cứu SMB của Visa năm 2023 cho thấy, gần 75% doanh nghiệp SME Việt Nam chấp nhận thanh toán kỹ thuật số, 42% chấp nhận thanh toán bằng thẻ, nhờ tính đơn giản, tác động đến doanh số và độ an toàn so với chuyển khoản ngân hàng. Các SME cũng đánh giá cao tính minh bạch về phí, bảo mật mạnh mẽ, tích hợp dễ dàng và tùy chọn thanh toán ngoại tuyến trong các khu vực có kết nối kém.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng nhu cầu thiết bị POS của cả nước là 1,2 triệu thiết bị. Trong khi đó, đến cuối tháng 3/2023, toàn thị trường mới có 430.625 máy POS, đạt hơn 30%. Như vậy, thị trường cần thêm khoảng 800.000 máy POS để hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt.